Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua bộ luật mới yêu cầu tất cả các mẫu điện thoại được bán tại khu vực này phải có pin rời vào năm 2027. Đây là quyết định vô cùng quan trọng, có thể thay đổi toàn bộ thiết kế điện thoại trong thời gian sắp tới. Vậy thì, lý do tại sao EU đưa ra quyết định này và các nhà sản xuất điện thoại sẽ bị tác động như thế nào?
Sự bất tiện của pin gắn liền trên điện thoại
Hiện tại, phần lớn các mẫu điện thoại thông minh đều được tích hợp pin bên trong. Chúng là loại gắn liền và thường không thể thay thế. Cách làm này giúp thiết bị liền mạch hơn, đảm bảo khả năng chống nước cũng như độ bền theo thời gian.
Thế nhưng, pin gắn liền lại gây khá nhiều bất tiện khi sử dụng. Việc thay pin trở nên rất khó khăn vì chúng yêu cầu các công cụ chuyên dụng, thao tác phức tạp và có nguy cơ mất kháng nước. Bạn cũng phải đến các trung tâm bảo hành chính hãng để thay pin vì việc sửa chữa bên ngoài có thể gây mất bảo hành, tác động đến quá trình sử dụng sau này.
Chưa kể, pin tích hợp không đem lại sự hữu dụng so với pin tháo rời. Nó sẽ thật sự cần thiết khi bạn đang trong hoàn cảnh khó khăn, chẳng hạn như đi lên rừng. Thay vì loay hoay tìm nơi sạc dọc đường, bạn chỉ cần mang thêm một viên pin khác, thay thế viên pin đang sử dụng khi thiết bị sắp cạn nguồn.
Lý giải của Liên minh Châu Âu
Trên trang blog của Hội đồng Châu Âu, đạo luật về pin điện thoại được đề xuất nhằm thực hiện “Nền kinh tế tuần hoàn bằng cách điều chỉnh pin trong suốt vòng đời của chúng”. Mục tiêu của việc này là giảm tối đa lượng rác thải điện tử, tiến đến giảm tác động đến môi trường xuống còn 0 vào năm 2050.
Đạo luật trên sẽ thiết lập các quy tắc cơ bản về việc quản lý pin trên điện thoại thông minh, cho phép các nhà sản xuất siết chặt hơn việc thu gom rác thải, thiết bị công nghệ. Dưới đây là 4 nội dung đáng chú ý của đạo luật trên:
Thu gom chất thải: Các nhà sản xuất phải thu gom 63% chất thải pin di động vào cuối năm 2027, tăng lên 73% vào năm 2030;
Thu hồi vật liệu Lithium: Các nhà sản xuất phải thu hồi 50% vật liệu Lithium từ pin vào cuối năm 2027, tăng lên 80% vào cuối năm 2031;
Hiệu quả tái chế: Mục tiêu đối với pin Niken-Cadmium là 80% vào cuối năm 2025 và 50% đối với các loại pin thải khác;
Hàm lượng tái chế tối thiểu: Pin di động phải bao gồm một số vật liệu tái chế, được đặt ở mức 16% đối với Coban, 85% đối với chì, 6% đối với Lithium và 6% đối với Niken.
Các hãng điện thoại sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Cũng giống như trang bị USB-C trên điện thoại, đạo luật này sẽ khiến thiết kế điện thoại thay đổi mạnh mẽ trong vòng một vài năm tới. Hiện tại, ngoài những mẫu điện thoại cơ bản (featurephone) hay một vài mẫu smartphone giá rẻ, hầu hết điện thoại thông minh đều được thiết kế với pin gắn liền. Cách làm này được xem là hợp lý vì chúng khiến thiết bị trở nên mỏng hơn, nhẹ hơn và bền bỉ hơn trước các tác nhân bên ngoài.
Trong một vài năm tới, rất có thể chúng ta sẽ thấy những chiếc flagship Apple, OPPO hay OnePlus có pin gắn rời. Thiết kế mặt lưng với nắp tháo pin huyền thoại rất có thể sẽ xuất hiện trở lại trên những chiếc điện thoại của Samsung. Và thay vì cung cấp các dịch vụ sửa chữa pin với giá đắt đỏ, nhà sản xuất (hoặc thương hiệu phụ kiện bên thứ ba) có thể bán ra những viên pin tháo rời với chi phí rẻ, hợp lý hơn.
Pin tháo rời có thể giúp người dùng hưởng lợi, thế nhưng lại tác động xấu tới các thương hiệu điện thoại. Việc sử dụng thiết kế mới buộc họ phải thay đổi dây chuyển sản xuất, từ đó tăng chi phí gia công và tăng giá bán sản phẩm. Người dùng Apple có thể chứng kiến mức giá iPhone lập đỉnh mới, có thể là 1.200 USD hoặc thậm chí lớn hơn thế.
Trên thực tế, đạo luật trên chỉ được áp dụng trong phạm vi 27 nước thuộc Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, rất có thể những thay đổi trên sẽ có phạm vi ảnh hưởng đến toàn cầu. Không hãng điện thoại nào muốn phân mảnh thiết kế hay ngoại hình với một khu vực cụ thể cả. Điều đó có thể tăng chi phí sản xuất và tạo ra sự độc quyền sản phẩm tại khu vực đó.