Tại WWDC 2024, Apple đã giới thiệu hàng loạt tính năng và cải tiến mới ở trên iOS 18 như khả năng tùy biến trên màn hình chính và Trung tâm điều khiển, Game Mode, v.v. Ngoài thay đổi trên, iOS 18 còn mang đến các tính năng bảo mật mới, bao gồm khóa và ẩn ứng dụng, ứng dụng quản lý mật khẩu chuyên dụng.
Khóa và ẩn ứng dụng
Trong iOS 18, Apple đã cho phép người dùng khóa và ẩn bất kỳ ứng dụng nào có trên màn hình chính iPhone. Hai tính năng khóa và ẩn ứng dụng sẽ đều yêu cầu người dùng thiết lập Face ID, Touch ID hoặc mật mã để mở. Tương tự các máy Android, tính năng ẩn ứng dụng của iOS 18 vẫn sẽ hiển thị trong mục cài đặt và thư mục ứng dụng ẩn.
Dưới đây là cách ẩn ứng dụng trên iOS 18:
- Bước 1: Nhấn và giữ vào bất kỳ ứng dụng nào có trên màn hình chính.
- Bước 2: Nhấn vào “Require Face ID > chọn Require Face ID để khóa ứng dụng hoặc Hide and Require Face ID để ẩn ứng dụng.
Ứng dụng Mật khẩu chuyên dụng
Trong các phiên bản iOS trước, Apple đã cung cấp công cụ quản lý mật khẩu Keychain tích hợp sẵn, ẩn trong ứng dụng Cài đặt. Nhưng với iOS 18, Apple đã ra mắt hẳn một ứng dụng riêng biệt có tên Mật khẩu (Passwords). Ứng dụng này được thiết kế đẻ giúp người dùng có thể quản lý mật khẩu một cách thuận tiện.
Tương tự 1Password và các ứng dụng quản lý mật khẩu của bên thứ 3, ứng dụng mới của Apple cũng có thể truy cập mật khẩu đã lưu từ các thiết bị Apple đã đăng nhập. Thậm chí, người dùng còn có thể truy cập mật khẩu đã lưu trên Windows thông qua ứng dụng iCloud for Windows.
Theo Apple, ứng dụng Mật Khẩu mới giúp người dùng dễ dàng truy cập mật khẩu tài khoản, mã khóa, mật khẩu Wi-Fi và mã xác thực hai yếu tố được lưu trữ an toàn trong Chuỗi Khóa. Ứng dụng này cũng bao gồm các cảnh báo cho người dùng về những điểm yếu phổ biến, chẳng hạn như mật khẩu dễ đoán, được sử dụng nhiều lần hoặc mật khẩu đã xuất hiện trong những vụ rò rỉ dữ liệu đã xác định.
Những tính năng khác
AccessorySetupKit trên iOS 18 sẽ cho phép các nhà phát triển cung cấp một cách thức mới để ghép đôi phụ kiện của người dùng mà không để ứng dụng thấy toàn bộ các thiết bị khác có trong mạng lưới. Apple cho biết điều này đảm bảo thiết bị của người dùng luôn được bảo mật, đồng thời giúp quá trình ghép đôi liền mạch hơn.
Bên cạnh đó, Apple cũng công bố Private Cloud Compute để bảo vệ quyền riêng tư khi người dùng sử dụng Apple Intelligence – hệ thống trí tuệ nhân tạo được tích hợp sâu bên trong iPhone, iPad và máy Mac.
Hiện tại, iPhone, iPad và máy Mac chưa đủ mạnh để hỗ trợ tất cả các mô hình AI mà người dùng cần trên thiết bị. Vì vậy, Apple đã đưa ra một giải pháp khá thông minh là khi người dùng sử dụng tính năng như Siri trên iOS 18, nó sẽ kết hợp giữa mô hình AI tạo sinh trên thiết bị và trên máy chủ để xử lý yêu cầu. Theo đó, các thông tin nằm ngoài kiến thức của Siri sẽ được chuyển đến và xử lý an toàn trên đám mây (quá trình này được gọi là Private Cloud Compute).
Apple cho biết, khi người dùng đưa ra yêu cầu, Apple Intelligence sẽ phân tích yêu cầu đó có thể được thực hiện trên thiết bị hay không. Nếu yêu cầu đó cần nguồn lực điện toán lớn hơn, hệ thống có thể xử lý bằng Private Cloud Compute bằng cách chỉ gửi dữ liệu liên quan đến tác vụ đó để xử lý bằng máy chủ Apple silicon. Khi các yêu cầu được đưa về Private Cloud Compute, dữ liệu không được lưu trữ và Apple cũng không thể truy cập, mà chỉ được dùng để thực hiện yêu cầu của người dùng.
Ngoài ra, trên iOS 18, Apple đã trao quyền kiểm soát cho người dùng bằng cách cho phép họ lựa chọn liên hệ để chia sẻ với một ứng dụng, thay vì để ứng dụng truy cập toàn bộ liên hệ giống như các phiên bản iOS trước đó.
Tham khảo một số bài viết và video dưới đây của Vật Vờ Studio để biết thêm thông tin về các hệ điều hành mới của Apple.
Comments