Nhân dịp ra mắt iPhone 16, các cuộc biểu tình đã nổ ra trước các Apple Store tại hơn 12 thành phố thuộc 10 quốc gia, bao gồm London, Tokyo, Brussels, Cape Town, Amsterdam, Mexico City và Manhattan. Đáng chú ý, các cuộc biểu tình này được tổ chức bởi chính nhân viên và cựu nhân viên của Apple.
Một trong những yêu cầu chính của người biểu tình là Apple ngừng sử dụng coban từ các khu vực như Congo, nơi tình trạng vi phạm nhân quyền trong quá trình khai thác khoáng sản đang diễn ra nghiêm trọng. Các khoáng sản khác như vàng, tantali, thiếc và vonfram cũng nằm trong danh sách bị phản đối.
Ngoài ra, người biểu tình cũng chỉ trích sự im lặng của Apple về cuộc xung đột tại Gaza và mối liên hệ của hãng với Israel, bao gồm cả việc đặt trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn thứ hai tại đây. Họ kêu gọi tẩy chay sản phẩm Apple và các dịch vụ như iCloud, Apple TV+ và Apple Music.
Trong khi đó, Apple khẳng định họ không sử dụng khoáng sản từ các khu vực có vấn đề và đặt mục tiêu chỉ sử dụng coban tái chế trong sản phẩm vào năm 2025. CEO Tim Cook từng chia sẻ: “Chúng tôi có một tầm nhìn lớn, đó là không cần khai thác thêm bất kỳ tài nguyên nào, mà sử dụng hoàn toàn vật liệu tái chế. Hiện nay, Apple Watch đã sử dụng 100% coban tái chế, cùng với 100% vàng, thiếc, vonfram và các vật liệu đất hiếm tái chế khác. Chúng tôi vô cùng tự hào về thành quả này. Tuy nhiên, đối với một số sản phẩm khác vẫn cần khai thác khoáng sản, chúng tôi áp dụng quy trình truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt trong chuỗi cung ứng, từ mỏ đến nhà máy luyện kim, để đảm bảo không sử dụng lao động trẻ em.”
Mặc dù các cuộc biểu tình diễn ra trên quy mô toàn cầu, số lượng người tham gia tại mỗi địa điểm lại tương đối hạn chế. Một video từ kênh YouTube Oinat ghi lại cảnh biểu tình bên ngoài cửa hàng Apple ở London cho thấy chỉ có một nhóm nhỏ người tham gia. Berlin là nơi tập trung đông người biểu tình nhất, với khoảng vài chục người. Theo Tariq Ra’Ouf, một trong những người tổ chức chính, đã có 5 người biểu tình bị bắt giữ tại thủ đô nước Đức.
Trước đó, vào tháng 3, nhóm “Apple Against Apartheid” đã công bố một bức thư ngỏ với chữ ký của khoảng 300 nhân viên và cựu nhân viên Apple. Bức thư cáo buộc Apple sẽ kỷ luật hoặc sa thải những nhân viên thể hiện sự ủng hộ với người dân Palestine thông qua việc đeo huy hiệu hay các vật dụng tương tự.
Đây không phải là lần đầu tiên nhân viên các công ty công nghệ lớn lên tiếng phản đối các vấn đề liên quan đến chiến tranh và xung đột. Nhân viên Google từng phản đối Dự án Nimbus, một hợp đồng giữa Google và Amazon với chính phủ Israel cung cấp cơ sở hạ tầng điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo cho quân đội Israel. Tương tự, nhân viên Amazon và Meta cũng đã có những bất đồng với công ty về các vấn đề liên quan đến chiến tranh.
Theo Wired | Al-Jazeera | Apple Insider | The Wrap | NotebookCheck