Tin tức

Apple mang tính năng trợ thính và kiểm tra thính lực tới người dùng AirPods Pro 2 tại Việt Nam

0

Apple đang chính thức mang các tính năng “Kiểm tra thính giác” và “Trợ thính” trên tai nghe AirPods Pro 2 đến nhiều quốc gia mới tại châu Âu, châu Á và Nam Mỹ, trong đó có Việt Nam. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc biến chiếc tai nghe không dây phổ biến thành một công cụ hỗ trợ sức khỏe hữu ích.

Giờ đây, người dùng tại Việt Nam cùng với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Argentina, Ecuador, Honduras, Indonesia, Israel, Kazakhstan, Moldova, Lãnh thổ Palestine, Serbia, Đài Loan Trung Quốc, Thái Lan và Ukraine đã có thể sử dụng tính năng “Kiểm tra thính giác”.

Để thực hiện bài kiểm tra này, người dùng cần kết nối AirPods Pro 2 với iPhone chạy hệ điều hành iOS 18.1 trở lên hoặc iPad chạy iPadOS 18.1 trở lên. Quá trình kiểm tra thính lực trên AirPods Pro 2 được thiết kế mô phỏng theo các bài kiểm tra chuyên nghiệp tại phòng khám của bác sĩ hoặc chuyên gia thính học.

Âm thanh ở các tần số và mức âm lượng khác nhau sẽ được phát lần lượt vào mỗi bên tai. Người dùng chỉ cần chạm vào màn hình iPhone mỗi khi nghe thấy âm thanh. Apple sẽ kiểm tra ở bốn tần số chính: 500Hz, 1kHz, 2kHz và 4kHz. Kết quả sẽ được phân loại như sau:

  • Đến 25 dBHL: Mất thính lực không đáng kể hoặc không bị.
  • Từ 26 đến 40 dBHL: Dấu hiệu mất thính lực ở mức độ nhẹ.
  • Từ 41 đến 60 dBHL: Mất thính lực ở mức độ trung bình.
  • Từ 61 đến 80 dBHL: Mất thính lực ở mức độ nặng.
  • Trên 80 dBHL: Mất thính lực ở mức độ sâu.

Sau khi hoàn tất bài kiểm tra, nếu kết quả cho thấy người dùng bị mất thính lực ở mức độ nhẹ đến trung bình, iPhone sẽ đề xuất bật tính năng “Trợ thính” trên AirPods Pro. Tính năng này cũng được mở rộng và đã có mặt tại Việt Nam cùng các khu vực khác như Síp, Ecuador, Honduras, Indonesia, Israel, Kazakhstan, Moldova, Lãnh thổ Palestine, Serbia, Đài Loan Trung Quốc, Thái Lan và Ukraine.

Khi được kích hoạt, chế độ “Trợ thính” sẽ sử dụng dữ liệu từ bài kiểm tra thính lực của người dùng để khuếch đại những tần số âm thanh mà tai họ nghe kém. Mục tiêu của tính năng này là giúp người dùng nghe rõ hơn giọng nói và các âm thanh khác trong môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, Apple còn cung cấp tùy chọn “Hỗ trợ Đa phương tiện” (Media Assist) để tự động điều chỉnh âm thanh cho nhạc, video và các cuộc gọi dựa trên kết quả kiểm tra thính lực.

Với lần cập nhật này, các tùy chọn trong mục Sức khỏe Thính giác (Hearing Health), bao gồm “Kiểm tra thính giác” và “Trợ thính”, hiện đã có mặt tại hơn 150 quốc gia trên toàn thế giới.

HONOR Pad GT2 Pro ra mắt: Đã có chip Snapdragon 8 Gen 3, màn hình lên 165Hz, pin

Previous article

Comments

Comments are closed.