Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các mẫu điện thoại hiện nay đang ngày càng trở nên mỏng nhẹ hơn. Để làm được điều này, các thương hiệu đã phải “hy sinh” một số thành phần trên điện thoại, điển hình như jack cắm tai nghe 3.5mm. Giờ đây, các nhà sản xuất đang hướng đến việc loại bỏ cả khe cắm SIM vật lý và thay thế bằng SIM nhúng (eSIM) hoặc SIM tích hợp (iSIM). Vậy eSIM, iSIM là gì? cả hai loại SIM này khác nhau như thế nào?
eSIM là gì?
eSIM (viết tắt của embedded SIM) là loại SIM được tích hợp trực tiếp vào trong các thiết bị như điện thoại, đồng hồ thông minh, laptop. Thay vì phải lắp thẻ vật lý vào trong máy, eSIM cho phép người dùng tải xuống cấu hình nhà mạng qua sóng di động. Sau đó, các nhà mạng sẽ cung cấp mã xác thực hoặc mã QR để người dùng kích hoạt eSIM. So với SIM vật lý, eSIM có điểm lợi thế là nó cho phép người dùng có thể tải được nhiều cấu hình như vậy lên một thiết bị duy nhất và có thể chuyển đổi chúng một cách dễ dàng.
Hiện nay, eSIM đã được áp dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp di động. Các thiết bị đeo như đồng hồ Gear S2 của Samsung và Apple Watch là những thiết bị đầu tiên sử dụng eSIM từ năm 2016. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi đồng hồ thông minh có kích thước nhỏ hơn nhiều so với điện thoại và chỉ có một số mẫu đồng hồ mới có khe cắm SIM vật lý.
Chỉ vài năm sau khi ra mắt, eSIM đã trở thành tính năng phổ biến trên các mẫu điện thoại thông minh cao cấp. Đến thời điểm hiện tại, Apple đã loại bỏ hoàn toàn khe cắm SIM vật lý ra khỏi các mẫu iPhone được bán tại Mỹ. Ngoài điện thoại và đồng hồ thông minh, eSIM còn được áp dụng cho các thiết bị máy tính bảng và máy tính xách tay.
Ưu và nhược điểm của eSIM so với SIM vật lý
Ưu điểm
- Thuận tiện: Người dùng có thể chuyển đổi giữa các gói cước, nhà mạng hoặc số điện thoại chỉ với một vài thao tác đơn giản trên điện thoại.
- Tiết kiệm không gian: Nhờ được tích hợp sẵn trên thiết bị, điện thoại thông minh không cần khe cắm SIM vật lý. Nhờ vậy, nhà sản xuất có thể sử dụng không gian này cho các linh kiện khác như viên pin có dung lượng lớn hơn.
- Bảo mật hơn: eSIM được đánh giá cao hơn về bảo mật so với thẻ SIM vật lý. Với thẻ SIM vật lý, kẻ xấu có thể đánh cắp điện thoại và tháo SIM để truy cập thông tin hay gửi các tin nhắn nhạy cảm. Với eSIM, để truy cập hoặc sao chép thông tin SIM, kẻ xấu sẽ phải vượt qua các lớp bảo mật trên thiết bị như mật khẩu màn hình, vân tay, Face ID, v.v.
Nhược điểm
- Độ phức tạp: Với thẻ SIM vật lý, việc chuyển đổi giữa các thiết bị rất đơn giản, khi người dùng chỉ cần tháo SIM từ thiết bị này và lắp vào thiết bị khác. Ngược lại, người dùng muốn chuyển đổi eSIM sang các thiết bị khác sẽ phải liên hệ với nhà mạng qua điện thoại.
- Khả năng tương thích còn hạn chế: Hiện tại, không có quá nhiều mẫu điện thoại giá rẻ và tầm trung hỗ trợ eSIM.
iSIM là gì?
iSIM (viết tắt của integrated SIM) là một phiên bản được phát triển dựa trên eSIM. Công nghệ này cho phép tích hợp thẻ SIM vào bộ vi xử lý của thiết bị, từ đó có thể loại bỏ khe cắm SIM chuyên dụng. Điều này cũng giúp tăng độ bảo mật và kết nối trong tương lai của iSIM. So với eSIM, iSIM có kích thước nhỏ gọn vì nó không yêu cầu mô-đun riêng biệt trên bo mạch chủ của thiết bị. Ngoài ra, iSIM cũng cho phép người dùng lựa chọn nhà mạng, gói dữ liệu, thay đổi số,… mà không cần phải đổi thẻ SIM. Thêm vào đó, iSIM cũng được đánh giá cao khi có các phương thức bảo mật như Arm TrustZone.
Nhìn chung, iSIM là loại SIM nhỏ gọn và an toàn nhất được phát minh cho đến nay. Tuy nhiên, chưa có điện thoại thông minh hoặc thiết bị di động nào áp dụng công nghệ này. Theo Android Authority, các nhà sản xuất chip, nhà mạng và các thương hiệu điện thoại thông minh có thể vẫn chưa đạt được thỏa thuận áp dụng iSIM.
Ưu và nhược điểm của iSIM so với SIM vật lý
Ưu điểm
- Tiết kiệm diện tích: Giống như eSIM, các thiết bị hỗ trợ eSIM cũng không cần khe cắm SIM vật lý.
- Bảo mật cao: iSIM được tích hợp vào chip (SoC) của thiết bị và các giao thức bảo mật hiện đại, ngăn chặn kẻ xấu truy cập hoặc giả mạo SIM.
- Tiện lợi: Với iSIM, người dùng có thể dễ dàng chuyển đổi giữa các nhà mạng và gói cước trực tiếp trên thiết bị, không cần thay đổi SIM vật lý.
Nhược điểm
- Độ phức tạp: Với thẻ SIM vật lý, việc chuyển đổi giữa các thiết bị rất đơn giản, khi người dùng chỉ cần tháo SIM từ thiết bị này và lắp vào thiết bị khác. Giống với eSIM, người dùng muốn chuyển đổi iSIM sang các thiết bị khác sẽ phải liên hệ với nhà mạng qua điện thoại.
- Độ phổ biến: Đến hiện tại, vẫn chưa có thiết bị nào hỗ trợ iSIM.
Tạm kết
Nhìn chung, iSIM và eSIM đều là các công nghệ SIM tiên tiến mang đến nhiều lợi ích so với SIM vật lý truyền thống. Nếu được triển khai sớm, iSIM được nhiều chuyên gia đánh giá cao hơn bởi nó được phát triển dựa trên eSIM, thừa hưởng tất cả lợi ích của eSIM và được cải thiện tính bảo mật.