Trong một cuộc phỏng vấn với chuyên trang Tom’s Guide, ông Kinder Liu – chủ tịch của OnePlus cho rằng, chính sách cập nhật 7 năm sẽ không có nhiều giá trị nếu phần cứng của điện thoại không đáp ứng được.
Cụ thể, khi được hỏi về các chính sách cập nhật phần mềm 7 năm như của Samsung và Google, Kinder Liu cho biết OnePlus sẽ không đi theo xu hướng này, ngay cả trong tương lai. Vị chủ tịch này giải thích rằng: “Chính sách cập nhật lâu dài sẽ không có nhiều giá trị nếu phần cứng điện thoại của người dùng không thể theo kịp“.
Để minh họa, Kinder Liu ví điện thoại thông minh với một chiếc bánh sandwich và nói: “Hãy tưởng tượng điện thoại của bạn là một chiếc bánh sandwich và một số nhà sản xuất nói rằng nhân bánh sandwich, tức phần mềm trên điện thoại của họ, vẫn có thể ăn ngon sau bảy năm nữa. Thế nhưng, điều mà các nhà sản xuất này không nói cho bạn là bánh sandwich có thể bị mốc sau bốn năm“. Do đó, chính sách cập nhật phần mềm lâu dài sẽ hoàn toàn vô nghĩa nếu phần cứng điện thoại không đáp ứng được độ mượt mà trong nhiều năm sử dụng.
Thêm vào đó, Kinder Liu cũng tiết lộ rằng, OnePlus đã tiến hành thử nghiệm với công ty TÜV SUD để mô phỏng quá trình sử dụng OnePlus 12 và OnePlus 12R sau nhiều năm. Dựa theo kết quả của TÜV SUD, OnePlus cho biết hai mẫu máy này có thể đảm bảo hiệu suất “nhanh và mượt mà” sau bốn năm sử dụng.
Ngoài ra, Kinder Liu còn đề cập tới việc pin trên điện thoại sẽ bị chai rất nhiều sau 7 năm sử dụng. “Khi các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi nói rằng chính sách phần mềm của họ sẽ kéo dài bảy năm, hãy nhớ rằng pin điện thoại của họ lúc đó có thể không tồn tại”, chủ tịch của OnePlus nhấn mạnh.
Trên thị trường smartphone hiện nay, Google và Samsung là hai thương hiệu đang áp dụng chính sách cập nhật 7 năm (bao gồm các bản Android lớn và bản vá bảo mật) cho các mẫu điện thoại cao cấp của họ. Đối với OnePlus, thương hiệu này đang áp dụng chính sách cập nhật 4 bản Android lớn và 5 năm cập nhật bảo mật cho mẫu OnePlus 12.
Tổng hợp: Tom’s Guide, Android Authority