Sau thời gian dài gắn bó với Windows, mình chuyển sang macOS và sử dụng cho đến tận bây giờ. Không thể phủ nhận MacBook nói riêng và nền tảng macOS nói chung thật sự tuyệt vời, nó đáp ứng rất tốt nhu cầu của một người sáng tạo nội dung như mình. Nhưng mình tự hỏi: ngoài hai cái tên bên trên, liệu còn hệ điều hành nào cho trải nghiệm sử dụng khác lạ và phù hợp với công việc của mình hay không?
Đó là khi mình biết đến ChromeOS. Hai ngày vừa rồi mình đã có thời gian trải nghiệm Chromebook và thử thay thế hoàn toàn công việc trên chiếc MacBook Air M1. Và mình nhận ra ChromeOS là một hệ điều hành tuyệt vời, đáng để trải nghiệm, nhưng để biến nó trở thành nền tảng phổ biến với người dùng Việt Nam thì có lẽ là chưa.
Không mất nhiều thời gian để làm quen
Thiết bị mình sử dụng để trải nghiệm là Lenovo 10e Chromebook Tablet – một mẫu máy tính bảng lai laptop giá rẻ của Lenovo. Nó có cấu hình rất yếu, nhưng do chạy một hệ điều hành nhẹ, ít tùy biến như ChromeOS nên vẫn đảm bảo được độ mượt mà và khả năng sử dụng hàng ngày của mình.
Bạn có thể tham khảo thông tin về Lenovo 10e Chromebook Tablet tại đường dẫn dưới đây.
Lenovo 10e Chromebook Tablet
Chính sự tối giản của ChromeOS giúp mình không mất nhiều thời gian để làm quen. Mọi yếu tố từ thanh chứa ứng dụng (App Drawer), thanh thông báo trạng thái hay ứng dụng Cài đặt đều được đơn giản hóa nhất có thể. Màn hình bên ngoài giờ đây đúng là một “desktop” thực thụ khi nó không cho thêm bất cứ biểu tượng ứng dụng, ảnh hay tệp tin nào khác ngoài hình nền.
Giao diện của ChromeOS được lấy cảm hứng rất nhiều từ chính Android, từ bên trong ứng dụng Tệp tin (Files) cho đến cách bố trí thông báo. Tất nhiên, chúng được tối ưu lại để phủ hợp hiển thị với dạng màn hình ngang (nói chung) và laptop (nói riêng). Là một người đã gắn bó nhiều năm với điện thoại Android, mình dễ dàng làm quen và có thiện cảm với ChromeOS.
Những tính năng khiến mình ấn tượng
Là một hệ điều hành hướng đến sự “tối giản”, thế nhưng mình vẫn tìm thấy rất nhiều điều thú vị trên ChromeOS. Nó là những trải nghiệm mới lạ mà mình không thể tìm kiếm ở Windows hay macOS – hai cái tên phổ biến với người dùng chúng ta.
Đầu tiên, hãy nói đến màn hình desktop. Như đã đề cập phía trên, nó không cho phép bạn gắn bất cứ một biểu tượng ứng dụng, tệp tin hay thư mục nào cả, mà chỉ đơn giản là nơi để hiển thị hình nền. Mỗi khi bật máy tính, mình có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn hình nền – những bức ảnh mà mình yêu thích – mà không bị cản trở bởi bất kỳ biểu tượng nào.
Tiện đây, mình đánh giá cao bộ hình nền mặc định của Google. ChromeOS cung cấp tới gần 20 bộ sưu tập hình nền khác nhau. Mỗi bức ảnh đều mang đến sự trẻ trung, năng động, không nhàm chán như những nền tảng kia.
Ở dưới thanh công cụ có một ngăn chứa (tote) các tệp tin hay hình ảnh đã tải xuống. Cá nhân mình cực kỳ thích tính năng này vì nó quá tiện lợi. Thay vì phải mở File Explorer hay Finder, mình có thể mở ngăn chứa hình ảnh và kéo chúng trực tiếp đến nơi cần chia sẻ, quá tiện lợi. Giá như Windows hay macOS cũng có tính năng giống như vậy.
Giống với Your Phone hay Intel Unison trên Windows, ChromeOS cũng có thể kết nối và tương tác với thiết bị Android. Khi bấm vào biểu tượng hình điện thoại ở thanh công cụ, mình có thể xem trạng thái pin, sóng, xem ảnh hay thậm chí định vị vị trí của thiết bị.
Mình có thể tải xuống ứng dụng trên Play Store. Được biết, nó hoạt động bằng cách thiết lập môi trường ảo hóa tương tự như WSA (Windows Subsystem Android) trên Windows 11. Tuy nhiên, do được tích hợp trực tiếp vào phần mềm, Play Store và ứng dụng trên ChromeOS hoạt động ổn định và mượt hơn phần nào so với trên Windows.
ChromeOS cũng cho phép tạo môi trưởng ảo Linux ngay trong phần cài đặt. Với một người đang học lập trình như mình, điều này khá thiết thực. Mình có thể cài trình biên soạn như Visual Studio Code và làm việc trực tiếp trên đây mà không cần phải chuyển sang Windows hay macOS như trước đó.
Nhưng có nhiều điều phải đánh đổi
Mọi thứ đều không hoàn hảo và ChromeOS cũng vậy. Việc trải nghiệm và sử dụng một hệ điều hành hoàn toàn khác biệt gây cho mình khá nhiều bất tiện. Nếu bạn cũng muốn trải nghiệm ChromeOS, dưới đây là những gì bạn phải đánh đổi.
ChromeOS cung cấp bộ gõ tiếng Việt mặc định ngay trong phần Cài đặt. Nhưng không giống với Gboard trên Android, bộ gõ này rất tệ. Nó thường xuyên gặp phải tình trạng lỗi font chữ, tiên đoán nhầm hay không thể viết dấu đúng cách. Kể cả khi đã chuyển sang bộ gõ Laban Key tải qua Chrome Extension, các lỗi trên vẫn đôi khi xuất hiện và không đem lại trải nghiệm tốt như UniKey hay EVKey trên macOS.
Trình quản lý tệp tin trên ChromeOS thật sự sơ sài. Nó không cho mình truy cập bất cứ thư mục hệ thống nào ngoài Downloads. Tất cả mọi tài nguyên từ hình ảnh, video cho đến các file .zip đều được lưu trữ trong đây. Trải nghiệm khi này là không tốt khi mình mất nhiều thời gian mỗi khi cần tìm lại một tệp hay ứng dụng đã tải xuống nào đó.
Yếu tố phải đánh đổi lớn nhất là kho ứng dụng. Dẫu biết người dùng có nhiều nguồn tải ứng dụng khác nhau như Play Store hay Linux, thế nhưng chúng là không đủ để khỏa lấp những thiếu sót của nền tảng này.
Là một người sáng tạo nội dung, công việc của mình chủ yếu diễn ra trên Google Chrome, bao gồm viết bài trên WordPress, viết nội dung trên Google Docs và sử dụng mạng xã hội. Thế nhưng, vẫn có những tác vụ mình bắt buộc phải sử dụng thông qua ứng dụng, mà điển hình trong đó là Adobe Photoshop.
Đáng tiếc khi ChromeOS không hỗ trợ cài đặt Adobe Photoshop. Hai ngày vừa qua, mình đã thử sử dụng một vài nền tảng khác như Canva hay Adobe Express, thế nhưng chúng không thể đáp ứng được nhu cầu của mình. Đặc biệt chúng thiếu đi Remove Tool và Generative AI – hai tính năng mới trên Photoshop mà gần đây mình thường xuyên sử dụng.
Đó là còn chưa kể, ChromeOS thiếu vắng rất nhiều ứng dụng chuyên biệt khác, chẳng hạn như Premiere Pro, AutoCAD hay MATLAB. Thêm vào đó, bạn sẽ chẳng thấy bất cứ tựa game AAA nào trên ChromeOS, thay vào đó là những trò chơi có sẵn trên Play Store.
Lật lại vấn đề, ChromeOS hướng tới đối tượng người dùng tập trung truy cập Internet, sử dụng các ứng dụng Web và các dịch vụ trực tuyến. Đồng thời, những chiếc Chromebook thường có cấu hình khá yếu, không phù hợp để chạy các tựa game nặng hay ứng dụng chuyên biệt như trên Windows hay macOS. Vậy nên, mình không thể đòi hỏi nhiều hơn công năng hoạt động mà ChromeOS có thể làm được, và phải đánh đổi những thiếu sót của nền tàng này nếu muốn sử dụng lâu dài.
Tổng kết
Hai ngày vừa rồi, công việc của mình vẫn đi theo đúng tiến độ, ngoại trừ một vài khó khăn khi chỉnh ảnh do không có Photoshop. Vậy nên, nếu xét trên nhu cầu của một người sáng tạo nội dung như mình, ChromeOS có thể thay thế được Windows và macOS. Tất nhiên, để nền tảng này bước ra và cạnh tranh sòng phẳng với hai “ông lớn” trên thì thật sự khó, mà rào cản lớn nhất đến từ chính sự đa dạng ứng dụng.