Galaxy S23 được trang bị viên pin với dung lượng 3.900mAh, nhỉnh hơn 200mAh so với thế hệ Galaxy S22 tiền nhiệm. Tuy nhiên, theo Samsung, sự tối ưu tốt từ con chip mới cùng hệ thống tản nhiệt mới sẽ giúp thời lượng sử dụng pin trên thiết bị tăng lên đáng kể. Vậy thì câu hỏi đặt ra là: liệu viên pin 3.900mAh trên Galaxy S23 có đủ tốt? Và liệu mẫu máy này có đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng hàng ngày của chúng ta hay không?
Các thiết lập trong bài test
Dưới đây là một số thiết lập trên Galaxy S23 trong bài test của mình:
– Đăng nhập tài khoản, cài đặt ứng dụng cần thiết và sử dụng như một chiếc máy chính;
– Độ sáng: 25 – 100% (trung bình ở 40%), tuỳ thời điểm;
– 90% thời gian sử dụng mình dùng 4G, còn lại là thiết lập Wi-Fi;
– Thiết bị được cập nhật phần mềm mới nhất với One UI 5.1 và Android 13.
Trải nghiệm sử dụng pin trên Galaxy S23
Bắt đầu với bài test, mình rút sạc Galaxy S23 từ tối hôm trước và để thiết bị chờ đến sáng hôm sau. Sau khoảng 10 tiếng, máy mất 3% pin, từ 100% > 97%. Trên xe bus, mình sử dụng YouTube để xem video trên Galaxy S23 trong vòng hơn 1 giờ đồng hồ. Khi này, máy mất tổng cộng 9%, từ 97% > 88%.
Mình khá ấn tượng về độ sáng cho ra trên mẫu máy này. Trong hầu hết thời gian sử dụng thiết bị, mình chỉ cần cài đặt độ sáng ở mốc 35 – 40% là có thể dễ dàng nhìn thấy mà không bị loá. Với độ sáng tối đa lên tới 1.750 nits, mình có thể dễ dàng sử dụng Galaxy S23 ngoài trời mà không gặp vấn đề về hiển thị hay chi tiết. Ở phần cài đặt hiển thị, máy có thêm một tuỳ chọn “Tăng độ sáng”, tuy nhiên mình gần như không sử dụng tính năng này.
Trên giảng đường, mình sử dụng Galaxy S23 với các tác vụ hỗn hợp như lướt Facebook, nghe nhạc qua Spotify và trao đổi công việc qua Telegram. Tất nhiên, toàn bộ thời gian trên mình đều sử dụng 4G, các cài đặt như Wi-Fi hay chia sẻ mạng di động đều được tắt để tránh việc kết nối nhầm với thiết bị khác. Sau khoảng 2 tiếng sử dụng, máy mất tổng cộng 25% pin.
Đến buổi trưa, mình để thiết bị trong chế độ chờ khoảng 2-3 tiếng trong khi vẫn kết nối 4G để nhận thông báo. Trên Galaxy S23, mình đánh giá rất cao thời lượng pin trong chế độ chờ, khi mà sau thời gian trên, máy chỉ mất 2% pin. Tất nhiên, tình trạng trễ thông báo cũng không diễn ra trên thiết bị này.
Các tác vụ mạng xã hội, xem YouTube hay nhắn tin qua Telegram được mình lặp lại liên tục trong buổi chiều. Phần trăm pin trên máy nhìn chung tụt đều, trung bình khoảng 15% pin cho mỗi 1 tiếng sử dụng.
Thêm vào đó, mặc dù mình kết nối 4G trong gần như cả ngày dài sử dụng, Galaxy S23 tương đối mát và gần như không xuất hiện tình trạng quá nhiệt. Điều này có được một phần do thời tiết Hà Nội đang khá lạnh, một phần nhờ sự tối ưu tuyệt vời từ Snapdragon 8 Gen 2 for Galaxy – con chip được Qualcomm và Samsung tối ưu riêng.
Đến 7 giờ tối, mình trở về nhà. Galaxy S23 vẫn còn tới 27% pin, trong khi thời gian on-screen của máy đã chạm mốc 5,5 giờ đồng hồ. Sau đó, mình sử dụng các tác vụ như xem YouTube và nghe nhạc qua Spotify với kết nối Wi-Fi cho đến khi thiết bị cạn pin.
Tổng kết
Sau một ngày dài sử dụng, đến 10 giờ tối, Galaxy S23 còn 5% pin. Với các tác vụ thông thường với kết nối 4G, máy đạt tổng cộng 7 giờ 27 phút on-screen, một con số vượt ngoài kỳ vọng của mình.
Dẫu biết so sánh với iPhone hay mẫu máy giá rẻ, thời lượng pin trên Galaxy S23 vẫn còn cách một quãng xa, tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng:
– Galaxy S23 chỉ có viên pin 3.900mAh, thấp hơn rất nhiều so với các mẫu máy phổ thông khác;
– Thời lượng pin trên Galaxy S23 tốt hơn rất nhiều thế hệ Galaxy S22 tiền nhiệm.
Nếu xét trên một mẫu máy nhỏ gọn như Galaxy S23, 7 giờ 27 phút on-screen là một con số quá đủ dùng. Với nhu cầu sử dụng hàng ngày của mình, máy có thể đáp ứng gần như trọn vẹn một ngày sử dụng – nhược điểm lớn nhất trên Galaxy S22 tiền nhiệm. Đây chắc chắn sẽ là lựa chọn đáng giá nếu bạn đang tìm kiếm một thiết bị nhỏ gọn trong khi có thể đáp ứng gần như mọi nhu cầu sử dụng, từ hiệu năng, camera cho đến thời lượng pin.