Tin tức

TikTok bị cáo buộc làm 7 trẻ em tự sát sau thử thách “Blackout”

0

Thử thách “cá voi xanh” (Blue Whale Challenge) từng làm dậy sóng cộng động mạng với những hành động tự tra tấn bản thân vốn rất tàn ác của những người chơi, và cuối cùng dẫn đến việc tự sát. Xuất hiện lần đầu tại Nga năm 2016, trò chơi nhanh chóng được biết đến tại nhiều quốc gia trên thế giới. Về sau, Youtube đã bị kiện trong việc quản lý nội dung lỏng lẻo, không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời và để lọt những video liên quan đến trò chơi này tiếp cận với trẻ em, vốn hiếu kỳ và chưa được nhận thức đầy đủ. Đa phần những nạn nhân của trò chơi này đều thuộc lứa tuổi vị thành niên.

Và đến gần đây, một trào lưu mới tương tự có tên Thử thách “Mất Điện” “Blackout Challenge”, xuất hiện trên nền tảng TikTok. Theo đó, những người tham gia thử thách này sẽ sử dụng một sợi dây để tự siết cổ cho đến khi rơi vào trạng thái mất ý thức, sau đó quay lại video quá trình thực hiện và chia sẻ chúng trên nền tảng này.

Theo chuyên trang The Verge, một số phụ huynh đã đâm đơn kiện TikTok, khi thử thách này đã cướp đi mạng sống của ít nhất 7 đứa trẻ trong năm 2021 và 2022. Họ đều dưới 15 tuổi và sinh sống rải rác ở Australia, Mỹ và Italy. Những video thực hiện thử thách này bằng một cách nào đó đã xuất hiện trên màn hình ứng dụng của họ, và điều không may đã xảy ra.

TikTok sau đó đã phản hồi rằng họ đã chủ động chặn việc hiển thị kết quả khi người dùng cố gắng tìm kiếm với từ khóa “blackout challenge” hoặc tương tự. Mặc dù vậy chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi một vài chữ cái ở từ khóa trên và TikTok vẫn sẽ hiển thị các kết quả liên quan. Hơn nữa, một người đã phản bác lại rằng chính con của họ đã thấy những video này trực tiếp ngay trên màn hình chính của ứng dụng – tab Dành cho bạn. 

Khi tìm kiếm blackout challenge, TikTok sẽ chặn các kết quả tìm kiếm. Tuy nhiên chỉ cần thay đổi một số chữ cái như blackout chsllenge, TikTok lại đưa ra các kết quả liên quan đến thử thách.

Những cáo buộc về thử thách này vẫn chưa đi đến hồi kết và chúng ta sẽ phải chờ những động thái tiếp theo đến từ TikTok.

Việc quản lý nội dung trên mạng xã hội chưa bao giờ là dễ dàng với TikTok hay Youtube, đặc biệt là với những nội dung gây hại cho trẻ em. Vào năm 2019, TikTok đã phải nộp phạt 5,7 triệu USD liên quan đến việc cho phép người dùng dưới 13 tuổi đăng ký tài khoản mà không cần sự cho phép của cha mẹ. Ứng dụng đã phải cập nhật tính năng “Family Sharing”, liên kết tài khoản của cha mẹ với con cái, giúp họ dễ dàng quản lý và can thiệp nội dung của con mình.

Redmi 10A ra mắt: 2,9 triệu đồng có pin 5000mAh, màn hình lớn 6,53 inch

Previous article

Muốn chuyển file từ Android sang iOS và ngược lại? Hãy thử ngay hai cách sau!

Next article