Mỗi khi Apple phát hành bất kỳ một bản cập nhật iOS mới, người dùng sẽ chia thành hai xu hướng như sau: Xu hướng đầu tiên, họ sẽ vào phần cài đặt và yêu cầu cập nhật ngay lập tức. Hoặc theo xu hướng thứ hai, đối với những người dùng đã bật sẵn phần cập nhật tự động, họ sẽ chờ hệ thống gửi lời mời cập nhật rồi mới cập nhật. Và với những người dùng theo xu hướng thứ hai, họ thường sẽ phải đợi từ một đến bốn tuần để nhận được lời mời cập nhật từ hệ thống.
Vậy tại sao người dùng lại phải mất một khoảng thời gian lâu như vậy mới có thể nhận được lời mời cập nhật? Để trả lời cho câu hỏi trên, Kechoopix (một người dùng trên reddit) đã gửi email cho Apple để phản hồi tình trạng của bản thân. Theo đó, đã 2 tuần kể từ ngày iOS 15.4 ra mắt mà anh ta vẫn chưa nhận được thông báo cập nhật. Email của Kechoopix đã được đích thân Craig Federighi (Phó chủ tịch cấp cao của Apple) trả lời như sau:
“Chúng tôi triển khai các bản cập nhật iOS mới với phương thức như sau: Những người dùng có nhu cầu cập nhật ngay sẽ có thể cài đặt bằng cách truy cập vào Cài đặt và Cập nhật phần mềm. Tiếp theo, sau khi chúng tôi đã nhận được những phản hồi, ý kiến về bản cập nhật, chúng tôi sẽ tiến hành gửi đến các thiết bị bật tự động cập nhật lời mời cập nhật (trong khoảng từ 1-4 tuần)”
Theo Macrumors, câu trả lời này của Craig Federighi đã vượt qua sự mong đợi của họ. Chuyên trang công nghệ này cho rằng, với số lượng iPhone và iPad rất lớn đang lưu hành, không có gì bất ngờ khi Apple phải triển khai cập nhật theo từng giai đoạn. Việc triển khai cập nhật từ từ sẽ giúp đảm bảo máy chủ của Apple hoạt động ổn định hơn, tránh trường hợp bị quá tải dẫn đến lỗi hệ thống khi có nhiều thiết bị nâng cấp cùng một lúc.
Tuy nhiên, mục đích của quá trình này không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ máy chủ mà nó còn bảo vệ tối đa lợi ích của người dùng. Nếu như Apple nhận được những lời phàn nàn về lỗi phần mềm nghiêm trọng từ những người cài đặt sớm (ngay sau khi Apple phát hành phiên bản mới), họ sẽ có cơ hội để giải quyết những lỗi đó trước khi bản cập nhật được phổ biến rộng rãi. Lợi ích của người dùng theo đó cũng được bảo toàn, tránh tối đa việc họ bị gặp những lỗi nghiêm trọng khiến thiết bị không thể hoạt động bình thường.