Vật Vờ Đánh giá

Đánh giá ROG Flow Z13: Tablet Gaming 50 triệu với i7-12700H và RTX 3050

0

Hôm qua, ASUS vừa cho ra mắt chiếc ROG Flow Z13 tại thị trường Việt Nam với mức giá từ 49.990.000 đồng. Ở thời điểm hiện tại, nó được coi là một trong những mẫu Gaming Tablet có hiệu năng mạnh mẽ nhất thế giới. Bình thường, khi sử dụng các mẫu máy khác, mình sẽ đặt ra một loạt các câu hỏi là “Màn hình đẹp như thế nào, bàn phím trải nghiệm ra sao,…” Nhưng, khi cầm ASUS ROG Flow Z13 thì mình lại nghĩ hoàn toàn khác. Câu hỏi đầu tiên trong đầu mình là “Chiếc Gaming Tablet này sinh ra để làm gì?

Nó có sức mạnh của một mẫu máy Gaming, nhưng lại có ngoại hình của một thiết bị di động. Hai thứ hoàn toàn đối lập với nhau. Tuy nhiên, nó lại được ASUS kết hợp lại với nhau để tạo nên ROG Flow Z13.

ROG Flow Z13: Sử dụng dưới dạng một chiếc laptop

ASUS gọi Flow Z13 là một chiếc Gaming Tablet. Tuy nhiên, phần lớn thời gian sử dụng thì mình lại dùng nó dưới dạng một chiếc laptop thông thường. Có bàn phím, cắm chuột,, dựng chân đế lên, lúc này ROG Flow Z13 đã trở thành một chiếc laptop thông thường.

Khi sử dụng thế này, chúng ta sẽ có một cái bàn phím khá nảy, cách bố trí phím tương đối rộng. Bấm cho phản hồi rất nhanh. Tuy nhiên, khi dùng như vậy thì chúng ta nên dùng chuọt, vì TouchPad vô cùng nhỏ. Phần TouchPad này được làm nhỏ, khá giống với cách làm của Magic Keyboarch trên iPad Pro M1. Khi mình đặt chuột ở thanh TaskBar, muốn kéo lên trên phần tab mới của Chrome thì sẽ phải chuyển tay tới 2-3 lần.

Về hiệu năng, tại sao chúng ta lại gọi nó là chiếc Tablet Gaming mạnh mẽ nhất thế giới? Câu trả lời là ở cấu hình khi máy sở hữu CPU Intel Core i7-12700H và RTX 3050. Đây là thế hệ chip hiệu năng cao mới nhất của Intel nên mình kỳ vọng vào nó khá nhiều. Khi chơi game, kết quả cho ra khi kết hợp CPU và GPU này cũng là khá ổn.

GameFPS
Naraka: Bladepoint40-50 (Low Graphic)
Counter-Strike: Global Offensive100 (High Graphic)
Shadow of Tomb Raider70-80 (High Graphic)

Đây rõ ràng là mức fps không nổi bật so với các mẫu laptop Gaming cùng phân khúc giá 50 triệu. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một điều rằng, nó là Gaming Tablet. Nó không thể gồng gánh được mọi thứ như Laptop Gaming truyền thống. Do đó, mức fps sẽ ở mức ổn để giải trí khi di chuyển nhiều. Còn nếu muốn cấu hình mạnh hơn, bạn có thể kết nối với phụ kiện XG Mobile, lên tới RTX 3080 để chơi một cách hiệu quả mà thôi.

Lý do chính khiến hiệu năng của ASUS ROG FLOW Z13 kém như vậy là do RTX 3050 bị giới hạn ở khoảng 40W (35W+5W Dynamic Boost). Đây là phiên bản tiêu thụ điện thấp nhất của RTX 3050, đơn giản vì cục nguồn của nó chỉ là 100W. Thực sự là đáng tiếc, tuy nhiên chúng ta phải hy sinh để Phục vụ nhu cầu nhỏ gọn, đa năng của mẫu máy này.

Thế nhưng, máy lại khiến mình hài lòng vì tản nhiệt của máy hoạt động tương đối tốt. Nhờ toàn bộ linh kiện đều nằm dưới màn hình nên chiếu nghỉ tay và bàn phím hoàn toàn không có cảm giác nóng dù sử dụng cả ngày dài. Khi đặt tay ở phần cạnh trên của máy, chúng ta sẽ cảm nhận được rõ luồng gió thổi ra từ hệ thống tản nhiệt này.

Tần số quét 120Hz của màn hình cũng đủ dùng với các tựa game trên. Độ sáng tối đa khoảng 500 nits nên trong quá trình sử dụng có ngồi cạnh cửa sổ xem YouTube thì cũng thoải mái sáng. Trên thực tế, màn hình này đạt 95% sRGB và 74% AdobeRGB. Là màn hình gương nên màu sắc trong trẻo, chi tiết tốt. Đây là ưu điểm khi so với các mẫu laptop gaming trên thị trường. Tuy nhiên, kích thước 13,4 inch cho một mẫu máy Gaming có lẽ là hơi nhỏ cho trải nghiệm hằng ngày, đặc biệt là với các tựa game thế giới mở. Đặc biệt hơn, phần màn hình của máy được trang bị cả kính cường lực Gorilla Glass 5 tương tự như điện thoại thông. Có cường lực thì cũng giúp mình yên tâm hơn hẳn vì thao tác cảm ứng nhiều, không như laptop thông thường.

Khung máy được hoàn thiện vô cùng chắc chắn, qua đó khiến mình yên tâm hơn vì linh kiện bên trong nó đều là hiệu năng cao. Tuy nhiên với phần màn hình nặng thế này thì mình không thể đặt lên đùi mà dùng được. Cảm giác lúc nào nó cũng có thể lật ngược ra đằng sau vì nó không có bản lề như laptop truyền thống. Khi này, chúng ta sẽ nhớ tới cách làm bàn phím Magic Keyboard trên các mẫu iPad Pro. Nó vừa là bàn phím rời, vừa có bản lề để người dùng dễ sử dụng hơn trong nhiều tư thế khác nhau.

Về pin, máy có thể sử dụng được trong 3 giờ với các tác vụ cơ bản như đọc báo, xem video, soạn thảo văn bản. Đây là một thời lượng sử dụng thường thấy trên các mẫu laptop gaming hiệu năng cao. Tuy hiên, người dùng vẫn có thể tối ưu bằng công cụ MUX Switch của ASUS. Công cụ này sẽ giúp chúng ta chuyển đổi GPU sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế. Chơi game thì dùng RTX 3050, còn chỉ làm tác vụ văn phòng, xem YouTube thì dùng GPU tích hợp, qua đó giúp máy tiết kiệm pin hơn. Qua trải nghiệm thực tế, khi bật lên thì mình sẽ dùng thêm được khoảng 1 giờ.

ROG Flow Z13: Sử dụng dưới dạng Gaming Tablet/Console chơi Game

Gaming Tablet, vậy là phải chơi PUBG, Tốc Chiến như tablet Android hay iPad ư? Câu trả lời chắc chắn là không. Đây là một mẫu Tablet Gaming chạy Windows, có i7-12800H và RTX 3050 nên sẽ phù hợp để làm Gaming Console hơn. Theo mình, khi là một chiếc Gaming Tablet thì nó chỉ hợp để chơi các tựa game có hỗ trợ tay cầm mà thôi.

Khi đi làm về, bạn có thể chơi một vài trận FIFA Online hay cũng có thể chơi một số Game gia đình với 2-4. người như It Take Two hay Overcooked. Đó là những gì có thể tối ưu nhất cho máy, vì thao tác cảm ứng trên Windows vẫn chưa bao giờ được đánh giá cao. Thêm nữa, trên Windows chưa tựa game nào nó tối ưu cho thao tác cảm ứng, trừ Asphalt 9 và Candy Crush Saga. Vậy nên mình thấy cái tên ‘Gaming Tablet’ đang chưa trọn vẹn cho Flow Z13. Lỗi ở đây không phải do ASUS, mà là do Windows chưa tối ưu mà thôi.

Khi cầm lên thì nó cũng khá dày so với máy tính bảng thông thường vì mang trong đó là toàn bộ linh kiện của máy. Một điểm khiến mình khá khó chịu cầm lên là phần khe linh kiện này cũng ấm ấm. Lúc nào nó cũng là phần nhiệt cao nhất của máy, dù có chơi game nặng hay chỉ ngồi xem YouTube.

Khá may là khi dùng dưới dạng tablet thì nó có nút tăng giảm âm lượng vật lý nên cũng đỡ phải chỉnh trên TaskBar. Phần phím tăng giảm âm lượng này được làm lồi hẳn lên thì dễ tìm rồi, tuy nhiên là cái nút nguồn lại làm phẳng với thân máy nên thi thoảng vẫn phải mò mò để tìm nút nguồn với cái cảm biến vân tay.

Đó là 2 cách sử dụng chính trên ASUS ROG Flow Z13 mà mình thường làm nhất. Một cách dùng khác là chúng ta kết nối là ra màn hình ngoài để làm một cái WorkStation làm 3D chẳng hạn. Khi đó thì cần kết nối bàn phím, chuột ngoài và ROG XG Mobile. Kết quả là chúng ta sẽ có một eGPU mạnh mẽ để phục vụ nhu cầu làm việc và chơi game một cách mạnh mẽ hơn.

Tổng kết

Và đó là ASUS ROG Flow Z13. Thực sự thì mình phải đặt quá nhiều câu hỏi cho nó. Ưu điểm của nó là hiệu năng tốt, nhưng lại có tính di động rất cao. Cùng với đó là nhiều cách sử dụng cho từng mục đích khác nhau. So với các mẫu Laptop Gaming truyền thống có cùng mức gia, ROG Flow Z13 rõ ràng là thua kém về mặt hiệu năng tổng thể. Tuy nhiên, nó lại có ưu điểm về tính cơ động, khác biệt so với các mẫu máy ngày nay.

product-image

ROG Flow Z13 (2022) GZ301

7.3

Ưu điểm
  • Tổng thể nhỏ gọn
  • Thiết kế độc đáo
  • Màn hình gương chất lượng
  • Bàn phím nảy, hành trình phím tốt
  • Có hỗ trợ kết nối eGPU với 8 làn PCIe
  • Có 2 camera đa năng
Nhược điểm
  • Hiệu năng chưa tốt so với giá thành
  • RTX 3050 bị giới hạn ở 40W
  • Thời lượng pin chưa tốt

Mật khẩu của bạn mất bao lâu để hacker đánh cắp?

Previous article

Trên tay Xiaomi 12 Pro chính hãng: Thiết kế cao cấp, bị cắt giảm tùy chọn màu sắc, giá từ 28 triệu

Next article
https://open.spotify.com/episode/7s8F9OMPJ0rfyGji1JSo9u?si=V5cSjNdBT9ia8t0sk7616g