Xem Xong Mua

Đánh giá Edifier X3: Tai nghe True Wireless tốt nhất phân khúc giá rẻ

0

Vào một lần bị hỏng tai nghe, mình đã rất đau đầu khi phải cân nhắc giữa các sản phẩm tai nghe True Wireless giá rẻ. Ở phân khúc này, chúng ta có vô vàn sản phẩm tới từ các thương hiệu lớn hay cả các mẫu tai nghe cao cấp “fake”. Cuối cùng, cái tên mình chọn đã là Edifier X3 (có mức giá dưới 400.000đ). Sau một thời gian sử dụng, mình sẽ đưa ra vài ưu và nhược điểm về chiếc tai nghe mức giá vô cùng rẻ này.

Thương hiệu

Ở trong mức giá rẻ, chắc chắn nhiều bạn sẽ đặt ra câu hỏi: Có quá nhiều thương hiệu thì tại sao phải chọn Edifier? Với mình, đây là thương hiệu âm thanh chuyên biệt chứ không phải các thương hiệu phụ kiện, vì vậy, về kinh nghiệm làm âm thanh thì mình tin Edifier sẽ làm tốt hơn các hãng khác trong tầm giá. Ngoài ra, xét về mức giá chỉ dưới 400 nghìn đồng (đợt sale), mình nghĩ là một mức giá rẻ để trải nghiệm sản phẩm tới từ Edifier.

Thiết kế

Về thiết kế, mình phải nói là Edifier X3 được hoàn thiện khá “chuẩn” với tầm giá. Mình nói như vậy là bởi, từ hình dáng, chất liệu của nó thì không có gì đặc biệt. Edifier X3 được hoàn thiện bởi nhựa nhưng vẫn có một lớp nhám mờ, chống bám mồ hôi nên mang tới cảm giác cầm nắm tốt hơn. Sau một thời gian sử dụng, mình cũng hài lòng về độ đặc của nhựa trên Edifier X3, khi gõ tay, bóp mạnh thì cảm giác nhựa của rất cứng và chắc. Điểm trừ ở đây, nắp bản lề sẽ chưa thực sự chắc chắn.

Điểm cộng tiếp theo là Edifier vẫn trang bị cổng sạc USB-C cho X3. Cổng USB-C này có chất lượng tốt, độ hoàn thiện chắc chắn. Mỗi lần cắm sạc cảm giác rất khít và yên tâm, khác hoàn toàn với những cảm giác cắm của những chiếc tai nghe giá rẻ.

Cảm giác đeo

Bên trong hộp sạc chúng ta có 2 tai nghe. Về thiết kế, phần thân tai nghe có kích thước khá to, phù hợp với các bạn nam hơn là các bạn nữ. Một điểm cộng của Edifier X3 là phần điều khiển cảm ứng được phủ nhám, đi kèm với họa tiết chữ X giúp tai nghe bắt mắt hơn. Thêm nữa, cách thiết kế này giúp mình xác định vị trí bấm của tai nghe.

Phần cảm ứng của tai nghe vô cùng nhạy, đôi khi là nhạy quá mức. Ví dụ như khi nằm nghe nhạc, xem video, chiếc tai nghe dù chỉ chạm vào gối nhưng cũng dừng phát. Tuy nhiên, với những người đi trên đường cần điều khiển thao tác thì đây lại là một điểm cộng lớn.

Chất âm

Từ trước tới nay, các mẫu tai nghe của Edifier thường mang lại một chất âm trong trẻo, thiên sáng và hướng tới những dải âm cao. Là một chiếc tai nghe giá rẻ, mình rất bất ngờ khi Edifier trang bị cho X3 vi xử lý Qualcomm 3020, và hỗ trợ aptX. Các dải âm có độ trong, tách bạch tốt và hoàn toàn không bị hiện tượng rè ở các bài hát. Mọi bài hát pop, ballad thịnh hành đều được Edifier X3 xử lý rất tròn vai, cả giọng ca sĩ và các tiếng nhạc cụ đều được thể hiện rõ. Điểm đặc biệt là các phần giọng hát của Edifier X3 không bao giờ lu mờ hay bị các dải khác xen vào nhau.

Khi so với các sản phẩm khác cùng giá, dải trầm của Edifier X3 chỉ ở mức vừa đủ, không nổi bật. Tuy nhiên, đây không phải là điểm yếu của Edifier khi hãng luôn làm những chiếc tai nghe tập trung nhiều vào âm trung và âm cao. Dải bass của Edifier X3 vẫn mang lại một độ tách bạch, gọn gàng nhưng lực và độ sâu sẽ không được quá tốt. Vì vậy, những ai thích nghe nhạc House, Trap… thì đây sẽ không phải là sự lựa chọn phù hợp cho các bạn.

Nói thêm về độ trễ, mình thì là một người không chơi game và chiếc tai nghe này cũng không có Gaming Mode. Nhưng qua các trải nghiệm của mình khi xem các video livestream thì độ trễ của chiếc tai nghe này thuộc dạng khá thấp. Mọi chuyển động, lời nói trên video stream được thể hiện tức thời và mình không có gì để phàn nàn ở điểm này.

Pin & Đàm thoại

Về pin, hãng công bố tai nghe có thời lượng pin lên tới 6 tiếng và hộp sạc cung cấp thêm 18 tiếng sử dụng. Trên thực tế, mình chưa bao giờ nghe đến khi hết pin trong 1 lần sử dụng, thay vào đó, sau khi nghe khoảng 2-3 tiếng là mình đã nghỉ để đảm bảo sức khỏe. Mình dùng hàng ngày thì gần một tuần mình mới phải sạc lại cả hộp sạc. Nhìn chung mình cực kỳ hài lòng về thời lượng pin của Edifer X3.

Chất lượng đàm thoại của Edifier X3 sẽ nằm ở mức trung bình. Hàng ngày mình học trực tuyến thì trong môi trường ít tiếng ồn, âm thanh thu được vẫn là khá rõ ràng. Edifier cũng trang bị công nghệ cVc 8.0 để khử nhiễu khi đàm thoại, nhưng khi vào môi trường ồn ào như đi xe bus, ngoài cà phê thì chất lượng đàm thoại bị lẫn tạp âm, người đối diện cũng khó nghe thấy mình nói. Vì vậy, ai muốn mua Edifier X3 để phục vụ đàm thoại liên tục thì mình nghĩ đây chưa phải sự lựa chọn hợp lý.

Điểm trừ

Một điểm mình không thích ở sản phẩm này là về kết nối. Khi mình lấy tai nghe ra khỏi hộp, chúng không tự động kết nối với điện thoại, nhưng trường hợp này xảy ra không nhiều. Khác với các tai nghe khác, Edifier X3 sẽ kết nối 2 tai nghe riêng biệt, có tên Edifier X3 L hoặc Edifier X3 R. Dù mình vẫn có thể nghe được âm thanh stereo, nhưng cách kết nối này chưa khiến mình hài lòng. Nhìn chung thì đây là điểm trừ nho nhỏ, không ảnh hưởng quá nhiều tới trải nghiệm của người dùng.

Tổng kết

Tổng kết, Edifer X3 là một sự lựa chọn khá hoàn hảo trong tầm giá dưới 500 nghìn đồng. Nó có khá nhiều ưu điểm, điển hình là phần âm thanh trong trẻo, phù hợp cho các bản nhạc pop và ballad. Mặc dù có một vài điểm yếu như bản lề chưa tốt hay kết nối riêng biệt, nhưng đây là mẫu tai nghe cực kỳ đáng trải nghiệm trong phân khúc giá rẻ.

product-image

Edifier X3

Ưu điểm
  • Tai nghe từ thương hiệu chuyên âm thanh
  • Độ hoàn thiện thân hộp sạc tốt
  • Được trang bị cổng Type C
  • Điều khiển cảm ứng nhạy
  • Âm thanh thiên sáng, tách bạch đặc biệt ở dải mid
  • Thời lượng pin đủ dài
  • Độ trễ khá thấp
Nhược điểm
  • Bản lề hộp sạc còn ọp ẹp
  • Đàm thoại khó khăn trong môi trường ồn
  • Kết nối 2 tai riêng biệt

Đã đến lúc các hãng điện thoại nên thống nhất một công nghệ sạc nhanh

Previous article

Galaxy Z Fold4 ra mắt: Thiết kế cũ, chạy Snapdragon 8+ Gen 1, có bản 1TB bộ nhớ, giá từ 40,99 triệu

Next article