Vật Vờ Đánh giá

Nhìn lại OPPO Find X sau 7 năm: Camera “thò thụt” vẫn hoạt động, thiết kế đẹp nhưng nhiều vấn đề quá!

0

OPPO Find X là mẫu flagship cao cấp được OPPO trình làng vào năm 2018. Thời điểm đó, thiết bị nhanh chóng tạo cơn sốt khắp toàn cầu được trang bị những công nghệ táo bạo và vô cùng thú vị. Một chiếc smartphone với cơ chế camera “thò thụt” độc nhất thị trường, đi kèm với thiết kế cao cấp, đẹp mắt và những thông số phần cứng tốt nhất thời điểm đó.

Sau 7 năm ra mắt, người dùng có thể chọn mua những chiếc OPPO Find X với giá chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng. Rõ ràng, đây vẫn là một chiếc điện thoại đáng để người dùng sưu tầm và trải nghiệm. Đó là một món đồ lưu giữ sự sáng tạo, bứt phá mà OPPO dám mang đến những năm 2018, 2019.

Camera “thò thụt” vẫn hoạt động được!

Điểm nhấn mang tính biểu tượng nhất của OPPO Find X chính là cụm camera thò thụt “Stealth 3D Cameras”. Thay vì đặt camera ở một phần khuyết trên màn hình, OPPO đã giấu toàn bộ hệ thống camera trước, camera sau và các cảm biến vào một module cơ khí, ẩn mình hoàn toàn bên trong thân máy. Khi người dùng cần chụp ảnh hay mở khóa, toàn bộ module này sẽ trượt lên và khi không dùng đến, nó lại thụt xuống, ẩn toàn bộ bên trong máy.

Đặc biệt, OPPO Find X cũng là chiếc smartphone hiếm hoi sở hữu công nghệ nhận diện khuôn mặt 3D vào thời điểm đó, với tên gọi “3D Structured Light”. Thời điểm đó, chỉ có số ít sản phẩm như iPhone X hay iPhone XS Max tích hợp công nghệ tiên tiến này, thế nhưng phải đánh đổi với cụm “tai thỏ” rất lớn trên màn hình để chứa các cảm biến nhận diện. Thế nhưng, nhờ cơ chế camera “thò thụt”, OPPO Find X có thể giấu các cảm biến 3D dễ dàng bên trong thân máy, từ đó tạo ra tổng thể thiết kế liền mạch, đẹp mắt.

Đáng nói, sau 7 năm ra mắt, camera “thò thụt” trên OPPO Find X vẫn có thể hoạt động được. Khi mở ứng dụng camera, hệ thống module bên dưới vẫn vận hành khá tốt, không có lần nào bị kẹt hay không thể nâng lên được. Tất nhiên, tính năng quét khuôn mặt 3D vẫn hoạt động bình thường, cho phép nhận diện với độ chính xác rất cao. Mình cũng thử tác dụng lực vào cụm module để đẩy xuống, và hệ thống vẫn có thể phản hồi được.

Tất nhiên, sẽ có những sự “xuống cấp” nhất định với hệ thống camera này. Độ trễ trong các thao tác “thò thụt” là khá nhiều, mỗi lần nâng lên, thụt xuống có thể phải chờ đến nửa giây để hoàn thành. Mình có thể dễ dàng nhận ra điều này khi đóng, mở ứng dụng camera liên tục. Khi này, hệ thống camera phản hồi khá chậm chạp, thiếu ăn khớp với cử chỉ tay. Ngoài ra, do đã ra mắt lâu, cụm camera có cảm giác lệch nhẹ khi nâng lên.

Song, việc camera “thò thụt” trên OPPO Find X vẫn hoạt động được sau 7 năm đã minh chứng cho độ bền của công nghệ này. Những năm 2018, 2019, khi công nghệ này đang trở thành trào lưu, nhiều người đã đặt ra nghi vấn rằng, một hệ thống camera với những chi tiết, motor phức tạp như vậy thì có dùng được lâu hay không.

Thời điểm đó, không chỉ OPPO Find X mà có nhiều mẫu smartphone khác cũng đi theo xu hướng này, chẳng hạn như Galaxy A80, OPPO Reno2, realme X hay Redmi K20 series. Dù xu hướng này đã thoái trào, nhưng thiết kế camera “thò thụt” đã cho thấy sự sáng tạo, dám tạo ra khác biệt của các hãng điện thoại khi đó lớn thế nào.

Redmi K20 Pro

Thiết kế “tiệm cận hoàn hảo”

Khi mới ra mắt, mình thật sự ấn tượng với thiết kế trên OPPO Find X. Ngay cả khi đặt cạnh những đời máy kế nhiệm như OPPO Find X8, mình vẫn đánh giá cao vẻ đẹp trên Find X hơn rất nhiều. Đó là vẻ đẹp của sự đơn giản, tinh tế và gần như không có khiếm khuyết.

Tổng thể thiết kế trên OPPO Find X là một khối thống nhất, liền lạc khi được cấu thành từ kính và kim loại. Mặt lưng máy được hoàn thiện từ kính cong 3D, nổi bật với hai tuỳ chọn màu Gradient là Đỏ Bordeaux và Xanh Lam Băng. Thời điểm đó, mình rất ấn tượng với kiểu thiết kế màu gradient này khi mang đến vẻ đẹp đơn giản, không quá cầu kỳ nhưng ẩn chứa đầy sự tinh tế. Phần chính giữa mặt lưng được làm đen, trong khi hai cạnh trái phải có các dải gradient rất đẹp và lạ mắt. Ngoài OPPO Find X, dòng Redmi K20 của Xiaomi cũng sử dụng ngôn ngữ thiết kế này và nhận được vô số lời khen từ người dùng.

Và chính cụm camera “thò thụt” đã biến mặt trước trên OPPO Find X trở nên vô khuyết, không chứa bất cứ “tai thỏ”, “nốt ruồi” hay “giọt nước” nào. Trải nghiệm xem phim, chơi game trên một màn hình không bị gián đoạn như vậy thực sự mãn nhãn và vẫn mang lại cảm giác thích thú cho đến tận ngày nay.

Ở thời điểm hiện tại, “nốt ruồi” là ngôn ngữ thiết kế mặt trước phổ biến trên nhiều mẫu điện thoại khác nhau. Dù các hãng đã có sự cải tiến khi kích thước nốt ruồi ngày càng nhỏ, song nó vẫn không thể đem lại trải nghiệm ấn tượng như những gì mà OPPO Find X hay những mẫu điện thoại có camera “thò thụt” đã làm được.

Nhưng nhiều vấn đề quá!

Có thể thấy, những yếu tố mà OPPO Find X từng làm được thật sự rất tuyệt vời và vẫn để lại ấn tượng cho đến tận ngày nay. Thế nhưng, những giá trị của chiếc máy này ở thời điểm hiện tại nên dừng ở mức “sưu tầm”, “trải nghiệm”. Thành thật mà nói, nếu muốn dùng OPPO Find X trong năm 2025, người dùng sẽ phải đánh đổi quá nhiều thứ.

Vấn đề đầu tiên đến từ màn hình. Màn hình gốc của OPPO Find X là tấm nền AMOLED, với kiểu thiết kế cong tràn ra hai cạnh. Tuy nhiên, sau 7 năm ra mắt, tấm nền này đã “xuống cấp” và có thể có những hỏng hóc nhất định. Một số cửa hàng sẽ thay thế màn hình máy bằng tấm nền IPS LCD phẳng để giảm chi phí cũng như giải quyết vấn đề thiếu linh kiện máy sau thời gian dài.

Song, việc thay thế màn hình IPS LCD gây ra rất nhiều trải nghiệm không tốt đến OPPO Find X, bao gồm:

  • Thứ nhất, chất lượng hiển thị của màn LCD sẽ không thể sánh bằng tấm nền AMOLED gốc.
  • Thứ hai, việc trang bị tấm nền LCD sẽ khiến màn hình máy bị gồ và nhô lên một cách rõ ràng so với thân máy. Điều này tạo ra cảm giác cấn tay, cũng như đánh mất đi sự liền lạc trong thiết kế.

Việc thay tấm nền IPS LCD khiến màn hình trên chiếc OPPO Find X này bị gồ lên đáng kể.

  • Thứ ba, màn hình LCD cũng khiến trọng lượng máy tăng lên đáng kể. Khi cầm chiếc OPPO Find X, mình có cảm giác đầm hơn thấy rõ. Chiếc máy này phải nặng đến 210 – 220 gram chứ không nhẹ nhàng, thanh thoát như khối lượng 186 gram như tiêu chuẩn.

Thứ hai, con chip Snapdragon 845 từng là “quái vật” hiệu năng của năm 2018, nhưng sau 7 năm, nó đã trở nên lỗi thời. ColorOS trên máy tác vụ cơ bản vẫn cho ra mượt mà, nhưng nó sẽ gặp khó khăn với các ứng dụng và game nặng đòi hỏi cấu hình cao của hiện tại. Điểm cộng là máy vẫn có 8GB RAM và 256GB bộ nhớ trong, một dung lượng lưu trữ vẫn còn rất thoải mái.

Thứ ba là thời lượng pin. Với viên pin 3.730mAh, thời lượng sử dụng của OPPO Find X vốn đã không quá ấn tượng ngay cả khi mới ra mắt. Sau 7 năm, sự chai pin là không thể tránh khỏi, khiến thời gian sử dụng thực tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điểm sáng là công nghệ sạc nhanh SuperVOOC 50W trên một số phiên bản, có thể sạc đầy pin chỉ trong 35 phút, một tốc độ vẫn còn đáng nể cho đến ngày nay.

Ngoài ra, OPPO Find X còn thiếu đi nhiều tính năng mà người dùng hiện đại xem là tiêu chuẩn: không có kháng nước, kháng bụi; không có loa kép stereo; không có jack cắm tai nghe 3.5mm và không thể mở rộng bộ nhớ. Những chiếc máy cũ cũng thường có ngoại hình trầy xước, thậm chí bay sơn sau nhiều năm sử dụng.

Máy chạy sẵn Android 10, giao diện ColorOS 7.1

Song, với những người đang tìm kiếm một chiếc máy để trải nghiệm và sưu tầm, OPPO Find X vẫn là lựa chọn đầy đáng giá. Không chỉ mang đến những công nghệ mới mẻ như camera “thò thụt”, OPPO Find X còn đánh dấu cho sự khởi đầu của dòng Find X series, để đến ngày nay, người dùng có những mẫu flagship hoàn thiện hơn như Find X8, Find X8 Pro hay Find X8 Ultra.

Trên tay Meizu Mblu 22, Mblu 22 Pro: Thêm lựa chọn điện thoại giá rẻ chỉ 2 triệu đồng

Previous article

Đánh giá hiệu năng Lenovo Legion Y700 Gen 4: Snapdragon 8 Elite quá mạnh!

Next article

Comments

Comments are closed.