Mệt mỏi vì mạng xã hội và cảm giác lo âu, nhiều người thuộc thế hệ Z trong thời gian gần đây đang săn lùng những chiếc điện thoại từ thập niên 2000, đặc biệt là BlackBerry, để tìm lại sự bình yên và kết nối với thế giới thực.
Gen Z “cai nghiện” smartphone bằng điện thoại BlackBerry
Theo trang New York Post, hashtag #blackberry trên nền tảng TikTok hiện có hơn 125.000 bài đăng đang trở thành tâm điểm của một trào lưu bất ngờ. Hàng loạt video ghi lại cảnh những người trẻ ở độ tuổi teen và ngoài 20 khoe những chiếc điện thoại BlackBerry cũ mua trên eBay hoặc tìm lại trong tủ đồ của cha mẹ. Họ trang trí chúng bằng đá lấp lánh, móc chìa khóa và thích thú với âm thanh “lách cách” hoài cổ từ bàn phím vật lý.

“Chúng ta đã đi hết một vòng tròn”, TikToker Notchonnie nói trong video khoe bộ sưu tập công nghệ cổ của mình. Một người dùng khác viết trên X: “Tôi chán Apple đến mức có thể từ bỏ mọi thứ để đổi lấy một chiếc BlackBerry”.
Nhu cầu “cai nghiện” kỹ thuật số
Dù lớn lên trong kỷ nguyên số, Gen Z đang ngày càng nhận thức rõ về tác động tiêu cực của smartphone. Một nghiên cứu của Pew Research cho thấy gần một nửa thanh thiếu niên Mỹ nói họ trực tuyến “gần như liên tục”, tăng gấp đôi so với 10 năm trước. Nhiều người thừa nhận việc chạm vào màn hình để mở khóa điện thoại đã trở thành một “phản xạ”.

“Smartphone không còn là nguồn vui nữa”, Pascal Forget, chuyên gia công nghệ tại Montreal, nói với CBC News. “Nó từng rất thú vị, nhưng giờ đây nhiều người đang nghiện nó. Vì thế, họ muốn quay lại thời kỳ đơn giản hơn với một thiết bị đơn giản hơn”.

Cảm giác lo âu và mệt mỏi là động lực chính thúc đẩy nhiều người tìm đến “dumbphone”. “Nó tạo ra một vòng lặp: tôi lo lắng nên mở smartphone, rồi lại tự ghét bản thân vì đã làm vậy, điều đó càng khiến tôi lo lắng hơn”, Charlie Fisher, sinh viên 20 tuổi, chia sẻ với USA Today. Sau khi từ bỏ iPhone để chuyển sang điện thoại gập, Fisher nói anh “cảm thấy như một đứa trẻ”, bắt đầu quan sát thế giới thực xung quanh và dành thời gian chất lượng hơn cho gia đình, bạn bè.
Đáng chú ý, trào lưu này của Gen Z đang mang lại tín hiệu tích cực cho thị trường điện thoại cơ bản. HMD Global, công ty sở hữu thương hiệu Nokia, ghi nhận doanh số điện thoại gập tăng gấp đôi vào tháng 4/2024. Patrick Moorhead, nhà phân tích từ Moor Insights & Strategy, dự đoán doanh số phân khúc này tại Bắc Mỹ có thể tăng 5% trong 5 năm tới do những lo ngại về sức khỏe mà smartphone gây ra.
Bên cạnh đó, quyền riêng tư cũng là một lý do quan trọng. “Thế hệ trẻ lo sợ ảnh hưởng tiêu cực của thế giới số. Họ tin rằng các hoạt động trên Internet đều bị giám sát, khiến họ muốn quay về một thiết bị cũ an toàn hơn”, nhà phân tích công nghệ Joe Birch nhận định.
Không dễ “đoạn tuyệt” với smartphone
Dù vậy, việc từ bỏ hoàn toàn smartphone trong xã hội hiện đại là một thách thức lớn. Các sản phẩm của Apple và Samsung vẫn khó có thể bị thay thế do đã tích hợp sâu vào cuộc sống.
“Phần lớn dịch vụ thiết yếu hiện nay đều tồn tại dưới dạng trực tuyến, từ giáo dục, chăm sóc sức khỏe đến tín dụng”, bà Hannah Whelan, điều phối viên tại Good Things Foundation, cho biết. Tại nhiều quốc gia, hệ thống trường học đã chuyển sang giao bài tập và thông báo qua các nền tảng online. “Người không có smartphone có thể bị hạn chế quyền tiếp cận, gặp bất lợi khi không thể quét mã QR để điền biểu mẫu hay đặt món ăn”.

Do đó, thay vì từ bỏ hoàn toàn, các chuyên gia cho rằng người dùng có thể tìm đến một giải pháp cân bằng hơn. Việc chủ động tắt các thông báo không cần thiết, hình thành thói quen như đọc sách, đi dạo thay vì liên tục kiểm tra điện thoại có thể giúp giảm bớt tác động tiêu cực của thế giới số đến cuộc sống hàng ngày.
Theo: Fast Company, New York Post
Mời bạn xem các video mới nhất của Vật Vờ Studio ngay tại đây.
Comments