Một giám đốc công nghệ kiện Apple đòi 5 triệu USD và quyền truy cập 2TB dữ liệu sau khi mất iPhone, cho rằng hãng “tiếp tay” cho kẻ trộm khi từ chối hỗ trợ khôi phục.
Mới đây, Michael Mathews, giám đốc công nghệ tại Minnesota, đã đệ đơn kiện Apple lên Tòa án Quận Bắc California sau khi chiếc iPhone của ông bị đánh cắp ở Arizona. Theo The Washington Post, đơn kiện yêu cầu Apple bồi thường 5 triệu USD và quan trọng hơn là phải cấp lại quyền truy cập vào khối dữ liệu 2 terabyte, được mô tả là “toàn bộ cuộc sống số của ông và gia đình”.

Chiếc iPhone bị mất không chỉ chứa dữ liệu cá nhân, hình ảnh gia đình mà còn bao gồm thông tin tối quan trọng liên quan đến hồ sơ thuế và các nghiên cứu chuyên môn của ông Mathews. Sự cố này đã gây ra tổn thất nghiêm trọng, buộc ông phải đóng cửa công ty tư vấn công nghệ của mình.
Nguyên đơn cáo buộc rằng, dù ông đã cung cấp đầy đủ bằng chứng chứng minh quyền sở hữu thiết bị và tài khoản, Apple vẫn từ chối đặt lại Khóa khôi phục (Recovery Key) tài khoản iCloud. Điều này khiến ông không thể lấy lại dữ liệu của mình. “Hành động này của Apple chẳng khác nào tiếp tay và hỗ trợ cho hoạt động tội phạm của tin tặc”, đơn kiện nêu rõ.
Điều gì sẽ xảy ra khi iPhone của bạn bị đánh cắp?
Hiện tại, khi người dùng báo mất iPhone qua tính năng Tìm (Find My), thiết bị sẽ bị khóa bằng mật mã, các thẻ thanh toán trong Ví (Wallet) bị vô hiệu hóa. Apple cũng cung cấp tính năng “Bảo vệ Thiết bị bị Đánh cắp” (Stolen Device Protection), yêu cầu xác thực Face ID hoặc Touch ID cho các tác vụ nhạy cảm như xem mật khẩu, truy cập thẻ ngân hàng, và ngăn chặn việc thay đổi cài đặt bảo mật quan trọng nếu thiết bị ở vị trí lạ.
Người dùng cũng có thể xóa sạch dữ liệu trên iPhone từ xa. Tuy nhiên, đây là hành động không thể đảo ngược và toàn bộ dữ liệu sẽ mất vĩnh viễn nếu chưa được sao lưu lên iCloud.

Nút thắt trong việc khôi phục dữ liệu
Vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ, việc xóa dữ liệu là không khả thi đối với nhiều người khi iPhone chứa thông tin công việc, tài chính, pháp lý quan trọng. Nhưng Apple lại không có cơ chế chung để giúp người dùng lấy lại dữ liệu trên thiết bị đã mất, trừ khi dữ liệu đó đã được sao lưu lên iCloud và người dùng vẫn còn quyền truy cập vào tài khoản.
“Dựa trên cơ sở nào mà Apple được quyền giữ dữ liệu của người dùng và không trả lại?”, luật sư của ông Mathews đặt câu hỏi trong đơn kiện.
Thực tế còn phức tạp hơn. Nếu kẻ trộm biết được mật mã của nạn nhân trước khi thiết bị bị khóa, chúng có thể nhanh chóng thay đổi email, số điện thoại khôi phục, thậm chí vô hiệu hóa Tìm (Find My), chiếm quyền kiểm soát hoàn toàn tài khoản Apple ID và khóa chủ sở hữu ra ngoài.
Apple cũng cảnh báo: “Nếu bạn mất khóa khôi phục và không thể truy cập các thiết bị tin cậy, bạn sẽ bị khóa tài khoản vĩnh viễn”. Dữ liệu trên iCloud vẫn còn đó, nhưng nếu người dùng đã bật “Bảo vệ Dữ liệu Nâng cao” (Advanced Data Protection) – tính năng mã hóa đầu cuối gần như toàn bộ dữ liệu iCloud – thì ngay cả Apple cũng không thể giải mã và truy cập để trả lại cho chủ sở hữu.

Theo Digital Trends, vụ kiện trên dự kiến sẽ kéo dài, có thể mất nhiều tháng để thu thập bằng chứng và chờ đợi phán quyết từ tòa án. Tuy nhiên, nó đã thắp lên hy vọng cho những người dùng gặp trường hợp tương tự khi luật sư Jon Breyer, người đại diện cho Mathews, cho biết ông đã tiếp nhận thêm gần một chục trường hợp tương tự. Điều này có thể tạo áp lực buộc Apple phải xem xét lại chính sách của mình, hoặc ít nhất là tìm ra giải pháp cân bằng hơn giữa việc bảo vệ quyền riêng tư và hỗ trợ những nạn nhân bị mất trộm iPhone trong nỗ lực khôi phục dữ liệu quan trọng của họ.
Cộng đồng người dùng đang dõi theo liệu Apple sẽ giải quyết từng trường hợp hay sẽ xây dựng một hệ thống hỗ trợ mạnh mẽ và rõ ràng hơn cho tất cả nạn nhân trong tương lai.
Theo: Digital Trends
Mời bạn xem các video mới nhất của Vật Vờ Studio ngay tại đây.
Comments