Google đang vướng vào một cuộc chiến pháp lý tại Nga với khoản tiền phạt khổng lồ, lên tới 2 undecillion rúp. Để hình dung được mức phạt lớn đến mức nào, người dùng sẽ phải viết đủ 33 chữ số 0, một khoản tiền lớn đến mức vượt quá cả trí tưởng tượng và cả tổng lượng tiền hiện có trên toàn cầu.
Nga phạt Google số tiền khổng lồ vì chặn các kênh truyền thông tại quốc gia này
Theo trang tin RBC của Nga, khoản tiền phạt “trên trời” này được đưa ra do Google từ chối tuân thủ lệnh của tòa án Moscow về việc khôi phục tài khoản YouTube của các kênh truyền thông nhà nước và ủng hộ Điện Kremlin. Những kênh này, bao gồm Tsargrad TV và RIA FAN, đã bị YouTube chặn từ năm 2020 vì “vi phạm luật pháp về trừng phạt và các quy tắc thương mại” do chủ sở hữu nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ từ năm 2014.
Tòa án Moscow đã yêu cầu Google khôi phục các tài khoản và áp dụng mức phạt tăng dần theo cấp số nhân nếu họ không tuân thủ. Ban đầu, mức phạt dành cho Google là 100.000 rúp/ngày và tăng gấp đôi mỗi tuần, dẫn đến con số lớn như hiện nay. Để hình dung được mức phạt lớn đến mức nào, người dùng sẽ phải viết đủ 33 chữ số 0.
Tình hình càng thêm căng thẳng sau khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022. YouTube tiếp tục chặn nhiều kênh truyền thông nhà nước của Nga, bao gồm Sputnik, NTV, Russia 24, RT và các cơ quan khác, vì họ ủng hộ chiến tranh. Động thái này đã gây ra một làn sóng kiện tụng từ 17 kênh truyền hình Nga, trong đó có Channel One và Zvezda, v.v.
Để so sánh, khoản tiền phạt lớn nhất mà Google từng phải chịu là 4,34 tỷ euro (khoảng 4,7 tỷ USD) từ EU vào năm 2018 vì vi phạm luật chống độc quyền liên quan đến hệ điều hành Android. Con số này hoàn toàn “lép vế” so với khoản tiền phạt hiện tại của Nga.
Giới chuyên gia nhận định, Google khó có khả năng chi trả khoản tiền phạt từ phía tòa án Nga. Công ty con của Google tại Nga đã tuyên bố phá sản vào năm 2022. Đồng thời, Google cũng chủ động đệ đơn kiện lên tòa án Mỹ và Anh để chống lại chủ sở hữu các kênh truyền hình Nga, nhằm ngăn chặn các hành vi pháp lý bên ngoài quốc gia này.
Theo: Android Authority