Ba năm sau khi ra mắt tấm nền QD-OLED thế hệ đầu tiên, Samsung vẫn đang tiếp tục chứng minh vị thế dẫn đầu của mình bằng những cải tiến với các công nghệ đột phá. Lần này, công ty tập trung vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất nhằm giảm giá thành của dòng TV QD-OLED.
Samsung Display tìm ra cách tái chế mực chấm lượng tử trong tấm nền QD-OLED
Cụ thể, Samsung Display vừa công bố phát triển thành công công nghệ tái chế mực chấm lượng tử. Quy trình này có thể phục hồi và xử lý 80% lượng mực chấm lượng tử trước đây bị lãng phí trong quá trình sản xuất QD-OLED.
Trước đây, trong quy trình sản xuất tấm nền QD-OLED, các lớp mực chấm lượng tử màu đỏ và lục sẽ được phun lên bằng công nghệ in phun với đầu phun siêu nhỏ. Tuy nhiên, khoảng 20% lượng mực thường bị sót lại trong mỗi đầu phun và không thể sử dụng, gây lãng phí đáng kể.
Để giảm thiểu lượng mực hao phí, Samsung đã thành lập một nhóm kỹ sư đến từ các bộ phận nghiên cứu, phát triển, thu mua, sản xuất và an toàn môi trường. Vào tháng 8 năm 2024, nhóm đã phát triển thành công một cơ sở tái chế chấm lượng tử. Mực đã qua sử dụng sẽ trải qua nhiều công đoạn xử lý để khôi phục chất lượng và độ tinh khiết quang học. Các thử nghiệm cho thấy mực được tái chế và mực gốc có hiệu suất tương đương nhau.
Samsung cho biết công nghệ tái chế này có thể giúp công ty tiết kiệm tới 10 tỷ won (khoảng 7,3 triệu USD) mỗi năm. Công ty cũng có kế hoạch áp dụng nhiều công nghệ khác để cải thiện hiệu suất và giảm chi phí sản xuất tấm nền QD-OLED cho TV và màn hình. Với những nỗ lực này, Samsung muốn nâng cao khả năng cạnh tranh của QD-OLED trong bối cảnh thị trường tấm nền OLED ngày càng trở nên khốc liệt.
Ông Seongbong Kim, đại diện Samsung Display, cho biết: “Với những đánh giá tích cực dành cho QD-OLED, chúng tôi đang sử dụng ngày càng nhiều mực chấm lượng tử. Công nghệ tái chế đột phá này không chỉ giúp giảm chi phí mà còn góp phần bảo vệ môi trường thông qua việc tái chế tài nguyên.”
Theo: SamMobile