Ngày 26/9, Meta đã công bố loạt sản phẩm mới, bao gồm kính thực tế ảo Meta Quest 3S giá rẻ, loạt tính năng mới cho kính Meta Ray-Band và nguyên mẫu kính Orion. Trong số đó, nổi bật nhất là nguyên mẫu Orion, được xem là chiếc kính thực tế tăng cường tiên tiến nhất thế giới.
Meta Quest 3S
Meta Quest 3S được xem là phiên bản “lai” giữa Quest 2 và Quest 3, hướng đến người dùng muốn trải nghiệm kính thực tế ảo với mức giá dễ tiếp cận hơn. Sản phẩm sử dụng chip Snapdragon XR2 Gen 2, RAM 8GB và tính năng hiển thị màu sắc môi trường xung quanh (color passthrough) tương tự Quest 3.
Tuy nhiên, để giảm giá thành, Meta Quest 3S chỉ sử dụng màn hình LCD đơn thay vì LCD kép, độ phân giải mỗi mắt thấp hơn và thấu kính Fresnel cũ từ chiếc Quest 2. Điều này có nghĩa là Meta Quest 3S sẽ có trường nhìn hẹp hơn so với phiên bản tiêu chuẩn. Thêm vào đó, trong mục điều chỉnh tần số quét màn hình, Meta Quest 3S cũng bị cắt giảm hai tùy chọn là 72Hz và 80Hz.
Mặc dù vậy, Meta Quest 3S vẫn có tần số quét 90Hz/120Hz mượt mà và thời lượng pin được cải thiện nhẹ lên đến 2 giờ 30 phút (phiên bản tiêu chuẩn chỉ có 2 giờ 12 phút). Sản phẩm được bán tại thị trường Mỹ với giá khởi điểm là 300 USD (khoảng 7,3 triệu đồng) với hai phiên bản bộ nhớ 128GB và 256GB.
Orion – kính thực tế tăng cường tiên tiến nhất thế giới
Bên cạnh Quest 3S, Meta còn gây bất ngờ khi hé lộ nguyên mẫu kính Orion – minh chứng cho tham vọng chinh phục thị trường AR (thực tế tăng cường) của hãng. Orion được quảng cáo là chiếc kính có trường nhìn rộng nhất trong thiết kế nhỏ gọn và thời trang nhất từ trước đến nay.
Điểm nhấn của Orion nằm ở cặp màn hình holographic trong suốt, cho phép người dùng nhìn xuyên qua kính và tương tác với thế giới thực một cách tự nhiên. Kính có khả năng nhận diện vật thể, hiển thị thông tin bổ sung, hỗ trợ điều hướng và thậm chí gợi ý công thức nấu ăn dựa trên các nguyên liệu có sẵn.
Thiết bị này nổi bật với kích thước gọn nhẹ chỉ khoảng 100 gram, tương đương một chiếc kính mắt thông thường, trái ngược hẳn với các sản phẩm cồng kềnh hơn như Meta Quest 3 hay Apple Vision Pro (nặng khoảng 500 gram đến 600 gram). Để tạo nên thiết kế siêu nhẹ này, Orion sử dụng một bộ xử lý không dây riêng biệt, đảm nhiệm hầu hết việc xử lý và truyền ứng dụng, nội dung đến kính. Thiết bị còn đi kèm một vòng đeo tay điều khiển cử chỉ, tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh.
Được biết, Meta đã tích hợp AI vào Orion để nâng cao khả năng hiểu và tương tác với thế giới xung quanh. Ví dụ, người dùng có thể nhìn vào tủ lạnh và yêu cầu Meta AI gợi ý công thức nấu ăn dựa trên nguyên liệu hiện có. Bên cạnh đó, Orion cũng hỗ trợ các ứng dụng phổ biến như Messenger, WhatsApp, Spotify, YouTube và Pinterest dưới dạng hologram.
Tuy nhiên, Orion hiện chỉ là nguyên mẫu dành cho thử nghiệm nội bộ và chưa có kế hoạch bán ra thị trường. Meta cho biết họ cần thêm thời gian để hoàn thiện sản phẩm, cải thiện chất lượng hiển thị, thu nhỏ kích thước phần cứng và tối ưu chi phí sản xuất để Orion có thể đến tay người dùng với mức giá hợp lý.
Ray-Ban Meta
Không bỏ quên dòng sản phẩm kính thông minh Ray-Ban Meta, Meta cũng tung ra phiên bản nâng cấp với nhiều cải tiến đáng giá. Trong đó, nổi bật nhất là trợ lý ảo Meta AI trên chiếc kính này đã được cải tiến, cho phép người dùng tương tác bằng giọng nói tự nhiên và hiệu quả hơn.
Ray-Ban Meta mới còn được bổ sung khả năng ghi nhớ thông tin hữu ích như vị trí đỗ xe, thiết lập lời nhắc bằng giọng nói và gửi tin nhắn thoại qua WhatsApp và Messenger. Đặc biệt, Meta đã tích hợp Ray-Ban Meta với ứng dụng Be My Eyes, cho phép người dùng hỗ trợ người khiếm thị thông qua video POV.
Chưa dừng lại ở đó, Ray-Ban Meta mới còn hỗ trợ nhiều nền tảng nghe nhạc trực tuyến hơn, bao gồm Audible, iHeart, Spotify và Amazon Music, mang đến trải nghiệm giải trí đa dạng cho người dùng. Kính Ray-Ban Meta Wayfarer mới có giá khởi điểm từ 300 USD (khoảng 7,3 triệu đồng) và lên tới 430 USD (10,5 triệu đồng) cho phiên bản Shiny Transparent có tròng kính UltraTransitions.
Comments