Tin tức

Chip giả đang xâm nhập vào chuỗi cung ứng

0

Khoảng 2 năm qua, tình trạng khan hiếm chip đã và đang khiến vô số doanh nghiệp gặp kho Bất kể là thương hiệu nhỏ hay các tập đoàn lớn, tất cả đều nằm trong tình trạng cung không đủ cầu. Để đối phó với tình trạng khan hiếm này, một số nhà sản xuất điện tử đã chấp nhận mua chip từ những bên mua bán “không chính thức”. Hậu quả của việc mua chip từ những bên này đó chính là chip giả, kém chất lượng.

Những ai đã chịu ảnh hưởng từ chip giả?

Nikkei Asia đưa tin, hãng điện tử Nhật Jenesis đã mua phải một lô hàng chip giả trên Alibaba. Jenesis đang đặt nhà máy sản xuất tại Trung Quốc nhưng cũng gặp phải tình trạng thiếu chip trầm trọng. Do cần linh kiện, nhà máy buộc phải đặt hàng trên sàn thương mại điện tử Alibaba. Tuy nhiên, sau khi hàng về thì hoàn toàn không sử dụng được. Jenesis đã kiểm tra và phát hiện thông số kỹ thuật của chip trong máy hoàn toàn khác so với những gì đã đặt hàng.

Vẻ bên ngoài của những con chip mà Jenesis nhận được có hình dáng rất giống so với “hàng xịn”. Tuy nhiên, phần lõi bên trong thì được làm giả hoàn toàn. Nhận thấy bị lừa, thương hiệu Nhật Bản này đã lập tức hoàn trả hàng; tuy nhiên, nhà cung cấp đó cũng đã xoá toàn bộ thông tin liên lạc.

Một kỹ sư tại Oki Engineering đang kiểm tra chất lượng chip bán dẫn. Ảnh: Nikkei Asia

Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà sản xuất. Rõ ràng, họ nên cảnh giác hơn với những đơn hàng chip điện tử trong bối cảnh khan hiếm như thế này. Một thuật ngữ mới bắt đầu xuất hiện sau khi nguồn cung bán dẫn toàn cầu thiếu trầm trọng do Covid-19, là “Chips in Distribution”. Cụm từ này chỉ những chip được bán từ các nguồn không phải là nhà sản xuất hoặc nhà phân phối được ủy quyền, không được bảo hành, không biết được tạo ra ở đâu và khi nào.

Chip thật được đánh dấu ở package (ảnh trên), trong khi chip giả (ảnh dưới) không có dấu hiệu này. Ảnh: Nikkei Asia

Chip không rõ nguồn gốc có thể được lấy từ các thiết bị điện tử cũ, rác thải điện tử, sau đó làm mới. Chúng thường không đạt tiêu chuẩn chất lượng và lẽ ra phải bị hủy bỏ hoặc vứt đi. Tinh vi hơn, có trường hợp chip được gắn nhãn nhà sản xuất uy tín, có tem bảo hành nhưng thực tế không hoạt động được.

Oki Engineering, một công ty con của Oki Electric Industry (Nhật Bản), hiện cung cấp dịch vụ xác minh chất lượng chip, giúp các nhà sản xuất thiết bị điện tử có thể loại bỏ chip bị lỗi trước khi mua. Doanh nghiệp này hiện có 20 kỹ sư chuyên phân tích, kiểm tra chip giả thông qua hệ thống tia laser, kính hiển vi, tia X và các thiết bị chuyên dụng khác.

Oki Engineering cho biết, họ đã bắt đầu cung cấp dịch vụ kiểm tra chip giả từ tháng 6 năm nay. Đến tháng 8 họ đã nhận được khoảng 150 đơn hàng. Nhiều yêu cầu trong đó là từ các nhà sản xuất máy móc công nghiệp và thiết bị y tế. Sau khi kiểm tra khoảng 70 trường hợp, Oki Engineering tìm thấy 30% số chip “có vấn đề”.

Theo các chuyên gia, tình trạng khan hiếm chip bán dẫn sẽ còn tiếp tục cho đến năm 2023. Sẽ còn khá lâu nữa mới có thể bình thường lại trong sản xuất. Trong khi đó, vấn đề chip giả đang ngày càng xuất hiện nhiều, trở nên tinh vi hơn. Các nhà sản xuất nên chú ý đến những đơn hàng chip của mình, đầu tư hơn cho quá trình giám sát chất lượng chip để tránh tối đa việc bị tổn thất cho mình cũng như đảm bảo chất lượng cho người dùng.

Nguồn: Tổng hợp từ Gizchia và NikkeiAsia

Có nên lựa chọn iPhone XR trong năm 2021 ?

Previous article

Đánh giá nhanh Redmi 10: Ông vua phân khúc 3 triệu?

Next article