Xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 2019, dòng điện thoại gập của Samsung đã mở ra một kỷ nguyên công nghệ mới cho thiết bị di động. Không giống những chiếc smartphone truyền thống với thân máy liền khối, Galaxy Z Fold hay Galaxy Z Flip sở hữu thiết kế khác biệt với khả năng gập, mở màn hình linh hoạt. Điều này giúp điện thoại gập khai phá một trải nghiệm hoàn toàn mới, điều người dùng không thể tìm thấy ở bất cứ một dòng sản phẩm nào khác trước đây.
Trải qua 5 thế hệ, Samsung luôn đi tiên phong trong việc áp dụng những công nghệ tiên tiến trên điện thoại gập của mình. Điều này giúp thiết kế trên dòng Galaxy Z Fold trở nên mỏng, nhẹ và thanh thoát hơn qua từng năm. Đó là một trong những lý do giúp Samsung luôn giữ vững ngôi vương điện thoại gập trong lòng người tiêu dùng.
Galaxy Fold – Khi “Gập và Mở” dần trở thành chuẩn mực
Trên thực tế, ý tưởng về một chiếc điện thoại gập đã nảy sinh từ lâu. Theo Znews, tháng 5/2011, các nhà nghiên cứu từ Viện Công nghệ Tiên tiến Samsung (SAIT) đã phát triển nguyên mẫu thiết bị đầu tiên có màn hình gập. Sử dụng công nghệ AMOLED được cải tiến, màn hình của thiết bị có thể gập đôi lại mà không tạo ra vết gấp.
8 năm sau, lời hứa trở thành sự thật. Tại sự kiện Unpacked diễn ra tháng 2/2019, Samsung chính thức giới thiệu smartphone màn hình gập đầu tiên thế giới – Galaxy Fold. Sau khi thương mại hoá vào tháng 9 cùng năm, sản phẩm nhận được cơn mưa lời khen từ các chuyên trang công nghệ khắp thế giới. Tại Việt Nam, Galaxy Fold liên tục cháy hàng, một minh chứng rõ nét cho sức hút mãnh liệt của sản phẩm này với người dùng nước ta.
Nếu để ý một chút, có thể thấy quyết định ra mắt Galaxy Fold của Samsung là hoàn toàn đúng đắn. Việc thương mại hoá màn hình gập, một công nghệ quá mới mẻ vào những năm 2010, cần rất nhiều thời gian để nghiên cứu. 2019 cũng là quãng thời gian hợp lý khi thị trường điện thoại thanh dần chạm đến điểm cực bão hoà, nơi các sản phẩm mới không còn tạo sự khác biệt đáng kể về trải nghiệm sử dụng.
Thiết kế độc đáo trên Galaxy Fold gợi nhớ đến hình ảnh của một cuốn sách. Chỉ cần mở màn hình, người dùng có thể tiếp nhận tri thức mới một cách trực quan, thoải mái. Thế nhưng, khác với sách, Galaxy Fold vẫn duy trì đầy đủ chức năng của điện thoại thông thường khi gập lại. Với màn hình phụ phía trước, người dùng có thể tương tác nhanh với hàng loạt ứng dụng khác nhau.
Ngoài màn hình gập, bản lề cũng là nhân tố đứng sau thành công của Galaxy Fold. Bản lề gập vào trong không chỉ mang lại cảm giác quen thuộc và dễ sử dụng, mà còn bảo vệ màn hình một cách hiệu quả. Với công nghệ này, điện thoại có thể mở ra mượt mà như một cuốn sách, đồng thời vẫn giữ được độ mỏng và phẳng khi gập lại. Kích thước nhỏ gọn khi gập là yếu tố then chốt tạo nên sự tiện lợi cho người dùng khi sử dụng thiết bị này. Với thế hệ Galaxy Fold đầu tiên, Samsung đã làm tốt điều đó với độ mỏng khi mở và gập máy chỉ là 17,1mm và 7,6mm.
Việc Galaxy Fold ra mắt đã khai phá một trải nghiệm hoàn toàn khác lạ khi màn hình có thể gập vào, mở ra linh hoạt. Cụm từ “Gập và Mở” dần trở thành chuẩn mực mới trên điện thoại di động, và Samsung chính là cái tên khởi xướng trào lưu này.
Galaxy Z Fold2 – Một kỷ nguyên mới về bản lề điện thoại gập
“Thừa thắng xông lên”, Samsung tiếp tục đổi mới dòng điện thoại gập của mình với hàng loạt công nghệ tiên tiến. Tháng 8/2020, hãng giới thiệu Galaxy Z Fold2, phiên bản kế nhiệm của Galaxy Z Fold từng tạo tiếng vang trước đó. Ngoài những nâng cấp xoay quanh màn hình phụ, camera hay hiệu năng, bản lề cũng là yếu tố “cách mạng” được Samsung nhấn mạnh trên thiết bị này.
Theo đó, công nghệ đứng sau bản lề trên Galaxy Z Fold2 được gọi dưới cái tên Hideaway. Trải qua ba thế hệ, bản lề Hideaway có nhiều cải tiến nhằm tăng độ bền, ma sát hay tính ổn định khi thao tác, từ đó nâng cao trải nghiệm trên một chiếc điện thoại gập.
Với hơn 60 chi tiết nhỏ khác nhau, bản lề Hideaway mang đến trải nghiệm gập mở ổn định cũng như cho phép sử dụng Flex Mode với chế độ CAM kép. Đây là kiểu thiết kế đặc biệt với hai phần hình chóp lồng vào nhau theo từng giai đoạn, cho phép bản lề máy giữ ổn định trong góc mở từ 75 đến 115 độ. Với cải tiến này, người dùng có thể dễ dàng điều chỉnh Galaxy Z Fold2 ở nhiều góc độ khác nhau, giúp quá trình chụp ảnh selfie hay gọi video qua Flex Mode trở nên dễ dàng hơn.
Chưa kể, nhờ việc bố trí tối ưu bản lề Hideaway, thiết kế trên Galaxy Z Fold2 trở nên thanh thoát hơn đáng kể. Khi mở toàn bộ màn hình, máy chỉ mỏng 6,9mm, nhỉnh hơn gần 1mm so với thế hệ tiền nhiệm. Con số 1mm nghe có vẻ không lớn, nhưng nếu xét trên một chiếc điện thoại thiên về khả năng di động thì lại vô cùng đáng kể.
Một sự thật thú vị là trong quá trình phát triển, Samsung đã loại bỏ gần 100 ý tưởng khác nhau xoay quanh bản lề mới trên Galaxy Z Fold2. Vì thế, có thể coi Hideaway là cuộc cách mạng về bản lề, mở ra kỷ nguyên mới nơi điện thoại gập mang đến thiết kế tinh tế, thanh thoát và bền bỉ hơn.
Galaxy Z Fold3 – Samsung giải bài toán “kháng nước” tưởng chừng nan giải
Khi điện thoại gập dần hoàn thiện về tính năng lẫn phần cứng, người dùng bắt đầu để tâm đến độ bền. Đây là lẽ tất yếu, đặc biệt trên một thiết bị công nghệ có giá hàng chục triệu đồng. Samsung đã nhanh chóng nhận ra điều này và bắt đầu tập trung cải thiện độ bền trên những sản phẩm của mình.
Kháng nước là một trong những tính năng được kỳ vọng sẽ sớm xuất hiện trên điện thoại gập. Đáng tiếc, việc trang bị công nghệ này là không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là “bài toán” nan giải mà các nhà sản xuất phải đối mặt. Bởi lẽ, bản lề gập mở trên điện thoại rất nhạy cảm với các yếu tố bên ngoài. Chỉ cần chất lỏng như nước hay giọt bắn bị rò rỉ vào trong, thiết bị có nguy cơ hỏng hóc ngay lập tức.
Thế nhưng, Samsung thêm một lần khẳng định vai trò tiên phong của mình với sự ra mắt của Galaxy Z Fold3, chiếc điện thoại gập đầu tiên có kháng nước. Đáng nói, tiêu chuẩn chiếc máy này đạt được lên đến IPX8, tức cho khả năng kháng nước tương đương nhiều flagship dạng thanh khi đó như Galaxy S21+ hay Galaxy S21 Ultra.
Cụ thể hơn, công nghệ kháng nước của Samsung được áp dụng cho hai khu vực: phần ngoài của màn hình và bản lề. Theo đó, phần ngoài màn hình được bao quanh bởi một dải cao su ngăn chặn bụi và chất lỏng xâm nhập. Trong khi đó, bộ phận kim loại của bản lề được cấu thành từ vật liệu chống ăn mòn, sau đó phủ một lớp bôi trơn có khả năng bảo vệ lâu dài. Ngoài ra, Samsung cũng gia cố thêm đầu nối hai bảng mạch chính hay cáp mạch in mềm (FPCB), đảm bảo chúng luôn an toàn trước tác động bên ngoài.
Để kiểm chứng khả năng kháng nước, kênh CNET đã tiến hành đặt Galaxy Z Fold3 xuống bể bơi trong vòng 15 phút. Đáng nói, sau quá trình thử nghiệm, máy vẫn hoạt động hoàn toàn bình thường, các chức năng không gặp vấn đề. Vì vậy, có thể xem Samsung đã giải quyết trọn vẹn khả năng kháng nước trên Galaxy Z Fold3, một bài toán tưởng chừng không có lời giải.
Galaxy Z Fold4 – Hoàn thiện hơn, thanh thoát hơn
Sau kháng nước, sự nhỏ gọn là yếu tố tiếp theo mà các hãng sản xuất điện thoại gập hướng đến. Bản chất cấu tạo từ hai phần màn hình, vậy nên điện thoại gập dạng “quyển sổ” thường khá nặng và dày. Vì thế, việc tối ưu thiết kế là điều quan trọng giúp trải nghiệm cầm nắm, sử dụng trở nên gọn gàng, thanh thoát và hoàn thiện hơn.
Trên thực tế, Samsung luôn cố gắng cải thiện thiết kế trên Galaxy Z Fold qua từng năm. Trên Galaxy Z Fold3, hãng sử dụng vật liệu mới có tên Armor Aluminum, đồng thời cải tiến Sweeper, công nghệ giúp đóng kín khoảng cách giữa bản lề và thân thiết bị. So với các thế hệ tiền nhiệm, máy nhẹ hơn tới 11 gram và chỉ mỏng 6,4mm khi mở toàn màn hình.
Bước sang Galaxy Z Fold4, Samsung tiếp tục cải thiện thiết kế, giúp ngoại hình máy trở nên thanh thoát, gọn gàng hơn. Máy chỉ nặng 263 gram, nhẹ hơn gần 20 gram so với Galaxy Z Fold2. Chưa hết, độ dày khi gập màn hình Galaxy Z Fold4 chỉ là 15,8mm, biến đây trở thành chiếc điện thoại gập mỏng nhất tại thời điểm đó.
Đằng sau loạt thông số ấn tượng trên là một bước tiến mới về bản lề trên Galaxy Z Fold4. Trong khi phiên bản màn hình tiền nhiệm sử dụng các bánh răng lồng vào nhau để đảm sự đồng đều trong quá trình gập mở, thì Galaxy Z Fold4 đã thay đổi chuyển động bản lề từ xoay sang tuyến tính.
Chính sự điều chỉnh này làm giảm đáng kể trọng lượng, độ dày và số lượng các bộ phận trong máy, từ đó giúp tối ưu hóa quá trình sản xuất và cải thiện độ bền thiết bị. Với Galaxy Z Fold4, Samsung đã tạo ra bản lề mỏng nhất, nhẹ nhất vào thời điểm đó trong khi vẫn duy trì độ bền và những ưu điểm vượt trội so với phiên bản trước.
Galaxy Z Fold5 – Tái định nghĩa bản lề điện thoại gập
Năm 2023, Samsung trình làng loạt điện thoại gập mới, nổi bật trong đó chính là Galaxy Z Fold5. Một trong những nâng cấp đáng chú ý nhất trên chiếc máy này đến từ một cơ chế bản lề hoàn toàn mới mang tên Flex (Flex Hinge). Với Flex Hinge, Samsung thêm một lần tái định nghĩa bản lề trên điện thoại gập, mở ra trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ.
Bản lề Flex sử dụng hệ thống bốn trục chuyển động cùng cấu trúc đường ray kép phức tạp. Ngoài ra, hãng còn trang bị các điểm gấp ở hai bên, tựa như hình giọt nước. Điều này làm giảm áp lực lên tấm nền và tạo ra ứng suất nén khi người dùng thao tác gập màn hình.
Nói một cách đơn giản, Flex Hinge hoạt động giống như gấp một tờ giấy quanh một cây bút chì. Cách làm trên đảm bảo màn hình được gập một cách gọn gàng, giữ đúng hình dạng và không gây áp lực cho tấm nền giống như phương pháp gập chữ U trước đây. Người dùng Galaxy Z Fold5 có thể yên tâm khi hai mặt màn hình được gập đều với nhau mà không tạo ra bất cứ khoảng trống nào.
Cũng nhờ cơ chế gập mới, Galaxy Z Fold5 trở thành mẫu Galaxy Z Fold mỏng nhất, nhẹ nhất từ trước đến nay. Khi gập lại, sản phẩm chỉ có độ dày 13,4mm, thấp hơn đáng kể so với con số 15,8mm trên thế hệ tiền nhiệm. Khối lượng trên Galaxy Z Fold5 cũng được giảm xuống 253 gram, tiệm cận với nhiều mẫu smartphone dạng thanh đang bán trên thị trường.
Tạm kết: Sau 5 năm, thiết kế trên Galaxy Z Fold đã thay đổi thế nào?
5 năm không phải một chặng đường dài, thế nhưng là đủ để Samsung tạo nên cuộc cách mạng về thiết kế điện thoại gập. Từ những chiếc Galaxy Fold đầu tiên với hạn chế về khối lượng hay độ dày, hãng đã cải thiện và đem đến Galaxy Z Fold5, một trong những điện thoại gập thanh thoát, nổi bật nhất thời điểm hiện tại.
Trên hành trình phát triển sản phẩm sắp tới, Samsung được kỳ vọng sẽ trình làng thêm nhiều công nghệ mới về bản lề hay thiết kế trên điện thoại, mang đến trải nghiệm trọn vẹn hơn tới người dùng. Đó là lý do vì sao sự kiện ra mắt thế hệ điện thoại gập tiếp theo của hãng đang được người dùng rất mong chờ.
Để tiếp nối hành trình dẫn đầu và truyền cảm hứng tới người dùng, Galaxy Z Fold series sẽ làm gì tiếp theo? Hãy cùng đón chờ những điều diệu kỳ tại sự kiện Samsung Unpacked, dự kiến diễn ra vào 20 giờ ngày 10/7/2023 (theo giờ Việt Nam).