Mặc dù đã “mở cửa” cho trình giả lập game cổ điển, Apple vẫn kiên quyết nói không với các trình giả lập PC trên iOS. Động thái này tiếp tục gây ra làn sóng tranh cãi về chính sách kiểm duyệt của Apple, bị nhiều người dùng và lập trình viên đánh giá là “độc đoán”.
Mới đây, hai ứng dụng giả lập là iDOS 3 và UTM SE đã bị Apple từ chối phát hành trên App Store. Lý do được Apple đưa ra là cả hai ứng dụng này đều vi phạm điều khoản 4.7 trong Nguyên tắc đánh giá ứng dụng (nguyên tắc cho phép các trình giả lập “máy chơi game cổ điển”). Đáng chú ý, Chaoji Li, nhà phát triển của iDOS 3, cho biết Apple không đưa ra được định nghĩa rõ ràng về “máy chơi game cổ điển” và cũng không hướng dẫn cụ thể ông cần thay đổi ứng dụng như thế nào để phù hợp với quy định.
Trong khi đó, UTM, nhà phát triển ứng dụng UTM SE, cho biết Hội đồng đánh giá App Store đã khẳng định “PC không phải là máy chơi game”, bất chấp việc UTM SE có thể chạy các tựa game Windows/DOS cổ điển. UTM cũng chỉ ra rằng, Apple đang từ chối cấp chứng nhận cho họ, khiến ứng dụng UTM SE không thể phát hành trên các cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba. Lý do được Apple đưa ra là ứng dụng này đã vi phạm nguyên tắc 2.5.2. Quy tắc đó quy định rằng các ứng dụng phải độc lập và không thể thực thi mã hoặc thay đổi các tính năng hoặc chức năng của ứng dụng, bao gồm cả các ứng dụng khác.
Quyết định của Apple đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng lập trình viên. Nhiều người cho rằng hãng đang áp dụng chính sách thiếu nhất quán và gây khó khăn cho các nhà phát triển. Hồi tháng 4, Apple đã cho phép các trình giả lập máy chơi game xuất hiện trên App Store, động thái này được cho là nhằm xoa dịu sự giám sát chống độc quyền. Ngoài ra, hãng cũng đã hỗ trợ cho các cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba ở EU để tuân thủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số.