Gần 100.000 chiếc iPhone bị Apple ủy quyền cho một nhà thầu tiêu hủy thay vì tái chế đã bị đánh cắp và tuồn sang Trung Quốc. Sự việc này đã dẫn đến vụ kiện giữa Apple và nhà thầu liên quan, tuy nhiên hiện tại có vẻ như vụ kiện đã bị hủy bỏ. Lý do được cho là Apple muốn che giấu việc họ ra lệnh tiêu hủy những thiết bị hoàn toàn có thể sử dụng được, vi phạm cam kết bảo vệ môi trường của công ty.
Báo cáo chi tiết của Bloomberg cho thấy Apple thu nhận các thiết bị cũ từ khách hàng để đổi mới và tái chế. Trong đó, nhiều thiết bị vẫn hoạt động hoàn hảo và có thể dễ dàng xóa dữ liệu và bán lại trên thị trường đồ cũ. Tuy nhiên, thay vì tái chế, Apple đã chi trả cho một nhà thầu bên ngoài tên là GEEP để tiêu hủy hơn một phần tư triệu thiết bị mỗi năm.
Trong hai năm đầu tiên của hợp đồng, Apple đã gửi cho GEEP hơn 530.000 chiếc iPhone, 25.000 chiếc iPad và 19.000 chiếc Apple Watch. Tuy nhiên, một cuộc kiểm tra nội bộ của Apple phát hiện ra rằng ít nhất 99.975 chiếc iPhone hoạt động mà GEEP báo cáo đã tiêu hủy đã được chuyển sang Trung Quốc và bán trên thị trường đồ cũ.
Vụ kiện giữa Apple và GEEP về vi phạm hợp đồng được khởi động vào năm 2020 nhưng hiện tại vẫn đang trong tình trạng bế tắc. Theo quy định pháp luật, nếu Apple không có động thái nào mới trong vòng một năm kể từ tháng 1 năm sau, vụ kiện sẽ tự động bị hủy bỏ. Tương tự, vụ kiện do GEEP đệ trình chống lại ba nhân viên cũ bị cáo buộc liên quan đến vụ trộm cắp thiết bị cũng sẽ hết hạn vào tháng 8 năm nay.
Lý do đằng sau việc Apple không muốn tiếp tục các vụ kiện được cho là nhằm che đậy thực tế rằng hãng tiêu hủy hàng trăm nghìn thiết bị có thể sử dụng được để hạn chế nguồn cung thiết bị cũ trên thị trường, từ đó thúc đẩy nhu cầu mua sản phẩm mới.
Vụ bê bối được phanh phui lần đầu tiên vào cuối năm 2020 bởi Logic (một trang tin tức Canada), đã khiến các chuyên gia trong ngành vô cùng bức xúc. Không chỉ bởi quy mô vụ trộm có chủ ý gây sốc, họ còn phẫn nộ trước việc Apple ép buộc nhà thầu tái chế tiêu hủy hàng chục nghìn chiếc iPhone hoàn toàn có thể tân trang. Cùng năm đó, Apple đã công khai cam kết đạt mức trung hòa carbon 100% trong chu trình sản phẩm vào năm 2030 và khẳng định trong báo cáo môi trường rằng “tái sử dụng là lựa chọn ưu tiên của chúng tôi”. Theo giới chuyên gia, việc tiêu hủy thiết bị điện tử hoàn toàn trái ngược với chiến lược “marketing xanh” của Apple và có khả năng là một cách để giữ cho giá phần cứng cũ thấp hơn, ngăn cản người dùng mua sản phẩm mới.
Apple từ chối bình luận về các chi tiết cụ thể, nhưng cho biết mọi thứ đã thay đổi kể từ đó.
9to5mac dẫn một phát ngôn viên của Apple cho biết, quá trình tái chế thiết bị điện tử ngày nay đã “tiến bộ vượt bậc” kể từ khi vụ kiện GEEP được đệ trình và hãng đang sản xuất các sản phẩm có tuổi thọ cao hơn để phục vụ nhiều người dùng. “Chương trình tái chế hàng đầu trong ngành của Apple cung cấp cho khách hàng các phương thức dễ dàng để trả lại thiết bị của họ để phân tích, tân trang và tái sử dụng”, người phát ngôn nói.
Một trong những thay đổi đó là sự ra mắt của Daisy – một robot tái chế iPhone để thay thế phiên bản Liam đầu tiên. Tuy nhiên, 9to5mac cho biết, nhiều nhận định cho thấy đây có thể chủ yếu là một động thái PR, che giấu một thực tế khác đằng sau hậu trường.
Vào khoảng thời gian Apple ra mắt Daisy tại Hà Lan, một nhân viên cũ của Re-Teck (một đối tác tái chế khác của Apple), đã chứng kiến hàng tấn AirPods, Mac và Apple Watch vẫn hoạt động tốt, bị tiêu hủy. (Re-Teck từ chối bình luận.) Trong một số trường hợp, nhân viên cho biết, công nhân thậm chí còn đập vỡ các thiết bị bằng búa.
Người đồng sáng lập iFixit, Kyle Wiens, cho rằng việc băm nhỏ các thiết bị làm việc có thể được sửa chữa hoặc sử dụng làm phụ tùng là bất hợp pháp.
Theo 9to5mac