Bên cạnh việc đổi tên, Google cũng đã giới thiệu gói trả phí dành cho Gemini. Theo đó, ngoài những ưu đãi như 2TB dung lượng lưu trữ, người dùng còn được tiếp cận với mô hình ngôn ngữ mới hơn, đi kèm khả năng trả lời sắc bén hơn. Vậy với gần 500.000đ/tháng, Gemini Advanced có gì hơn so với Gemini tiêu chuẩn không?
Những lợi ích khi đăng ký Gemini Advanced
Thực chất, Gemini Advanced nằm trong gói Google One AI Premium mới phát hành. Bỏ ra 489.000đ/tháng, người dùng được tận hưởng rất nhiều đặc quyền mà gói trả phí này đem lại:
- Sử dụng chatbot Gemini Advanced với mô hình AI Gemini 1.0 Ultra mạnh mẽ;
- 2TB dung lượng lưu trữ cùng nhiều đặc quyền khác trong Google One;
- Tích hợp Gemini trong bộ công cụ Workspace như Docs, Slides hay Gmail.
Trải nghiệm Gemini Advanced
Khi mới đăng ký Gemini Advanced, cá nhân mình quan tâm nhất về việc khả năng tận dụng Gemini trong bộ công cụ Google Workspaces. Bởi lẽ, Docs, Sheets hay Gmail là những ứng dụng mình dùng nhiều nhất trong công việc hàng ngày. Trong khi đó, chính phiên bản tiêu chuẩn của chatbot Gemini đã phục vụ rất tốt nhu cầu tìm kiếm của mình rồi. Có Gemini Advanced thì tốt, không có cũng chẳng sao.
Theo Google, kể từ ngày 21/2, người dùng có thể trải nghiệm sức mạnh của Gemini với bộ công cụ Workspace, tất nhiên chỉ áp dụng với gói Advanced. Chẳng hạn, khi soạn thảo một bức thư mới, thanh công cụ trên Gmail sẽ có thêm một biểu tượng có tên Help me write. Người dùng chỉ cần nhập chủ đề hay ý muốn viết, sau đó Gemini sẽ tự động hoàn thành nội dung bức thư.
Qua thử nghiệm nhanh, Gemini chỉ mất khoảng 5 – 10 giây để soạn thảo một bức thư. Ngoài ra, người dùng còn có thể chọn bố cục của thư như ngắn gọn (Shorten), chi tiết (Elaborate) hay trang trọng (Formalize).
Đáng tiếc thay, ngoài Gmail ra, mình chưa thể tận dụng Gemini với các công cụ Workspace khác như Docs hay Slides. Có lẽ, do mới ra mắt nên Google chưa thể cập nhật tính năng này với mọi người dùng được.
Trở lại với Gemini Advanced, Google quảng cáo rất nhiều thứ mà chatbot AI này làm được ngay từ giao diện màn hình chính. Chẳng hạn, người dùng có thể tạo một bức ảnh với độ phức tạp rất cao hay giải thích chi tiết về Shakespeare, một nhà văn nổi tiếng người Anh. Song, cần chú ý rằng thời điểm hiện tại, Gemini Advanced chỉ hỗ trợ giao tiếp bằng tiếng Anh.
Xem chi tiết các câu trả lời từ Gemini Advanced và Gemini tại đường dẫn dưới đây.
Đầu tiên, mình yêu cầu Gemini Advanced thiết kế lại một vở kịch của Shakespeare với bối cảnh hiện đại, kết hợp với một số câu hỏi thảo luận. Với mô hình 1.0 Ultra mạnh mẽ hơn, vở kịch được chatbot đưa ra đi theo một hướng hoàn toàn khác biệt, sử dụng các xu hướng hiện đại trên mạng xã hội và đưa nhân vật vào xung quanh câu chuyện đó. Trong khi đó, Gemini tiêu chuẩn vẫn tập trung bối cảnh xung quanh câu chuyện gốc, chưa tạo ra sự khác biệt.
Chuyển sang một câu hỏi phức tạp khác, mình yêu cầu cả hai chatbot xây dựng thanh trượt (slider) dựa trên các tệp HTML, CSS và JavaSctipt có sẵn. Cả hai chatbot đều đưa ra câu trả lời chi tiết và có giải thích các phương thức hay hàm khó hiểu. Code trên Gemini Advanced đưa ra ngắn gọn và tối ưu hơn một chút, song sự khác biệt là không nhiều.
Tiếp đến, mình hỏi cả hai dự đoán dân số toàn cầu đến năm 2200. Gemini tiêu chuẩn chỉ đưa ra mức trung bình từ 6 – 9 tỷ người, trong khi Gemini Advanced chia rõ từng trường hợp dân số dựa trên mức sinh cao, trung bình hay thấp.
Cuối cùng, mình yêu cầu cả hai tạo ảnh với độ phức tạp cao. Dễ thấy những bức ảnh mà Gemini Advanced đưa ra có độ chi tiết cũng như tính thực tế cao hơn hẳn so với Gemini tiêu chuẩn.
Nhìn chung, với mô hình ngôn ngữ mới hơn, mạnh hơn, Gemini Advanced được đánh giá cao hơn so với Gemini tiêu chuẩn. Tuy nhiên, điều đó chỉ thực sự đúng với các câu hỏi có độ phức tạp cao, yêu cầu nhiều yếu tố khác nhau. Bản thân mình đã sử dụng Bard (sau này là Gemini) gần một năm qua và hầu như không có phàn nàn gì về chất lượng của chatbot này.
Tất nhiên, bỏ ra gần 500.000đ/tháng, người dùng Gemini Advanced vẫn có những đặc quyền riêng. Họ có tới 2TB dung lượng lưu trữ trên Google One. Ngoài ra, Gemini còn được tích hợp vào Google Workspace, bộ công cụ gắn liền với hầu hết người dùng hàng ngày.