Mặc dù tỷ lệ người dùng tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, điện thoại thông minh màn hình gập vẫn chỉ chiếm 1% tổng số điện thoại thông minh được sở hữu trên khắp Vương quốc Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Mỹ và Úc. Đây là kết quả từ nghiên cứu Worldpanel ComTech từ năm 2023 của Kantar, công ty phân tích và dữ liệu tiếp thị hàng đầu thế giới.
Bên cạnh tỷ lệ người dùng vẫn tương đối thấp, nghiên cứu của Kantar còn chỉ ra rằng, trong số những người sở hữu điện thoại màn hình gập đã nâng cấp điện thoại trong 12 tháng qua, 55% đã chọn quay trở lại sử dụng điện thoại dạng thanh thông thường.
Trong vài năm qua, Samsung đã thống trị thị trường điện thoại gập với hơn 90% thị phần. Ra mắt điện thoại gập đầu tiên vào năm 2019, Samsung được hưởng lợi với tư cách là hãng tiên phong cùng với phần cứng tiên tiến hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Trong đó, các thiết bị gập dạng vỏ sò (Flip) chiếm ưu thế với 67% thị phần, trong khi các thiết bị gập dạng quyển sổ (Fold) chiếm 33%.
Rào cản của dòng điện thoại gập đối với việc tiếp cận và duy trì khách hàng
Nghiên cứu của Kantar cho thấy, mặc dù người dùng sẵn sàng chi trả cho các dòng điện thoại cao cấp như Galaxy S23 Ultra, Galaxy S22 Ultra, Google Pixel 7 Pro hay iPhone 14 Pro Max, nhưng mức giá cao không phải là nguyên nhân chính khiến họ từ bỏ điện thoại gập. Cụ thể, Kantar cho rằng, người dùng điện thoại gập chưa thực sự hài lòng với tần suất cập nhật phần mềm, dịch vụ hỗ trợ sau bán hàng và thời lượng pin so với các dòng điện thoại cao cấp dạng thanh.
Ông Jack Hamlin, Giám đốc Thông tin Tiêu dùng Toàn cầu tại Worldpanel, nhận định thị trường điện thoại màn hình gập vẫn còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng. Khi số lượng người dùng tăng lên, tâm lý e ngại của họ khi tiếp cận công nghệ mới sẽ giảm dần. Tuy nhiên, liệu điện thoại gập có thể vượt qua ngưỡng “thị trường ngách” để trở thành xu hướng chủ đạo hay không vẫn là một câu hỏi khó.
Apple vắng mặt trên thị trường điện thoại gập
Hiện tại, nhiều nhà sản xuất (OEM) đã gia nhập thị trường điện thoại gập với những cải tiến đáng kể về thiết kế, chất lượng và giá cả. Trong đó, các thương hiệu lớn như Huawei, Motorola, OPPO, vivo và Google đều đã tham gia với nhiều thiết kế khác nhau. Tuy nhiên, sự vắng mặt của Apple, thương hiệu chiếm tới 37% thị phần điện thoại thông minh toàn cầu, được xem là một khoảng trống lớn trong thị trường điện thoại gập.
Theo dữ liệu của Worldpanel, 25% trong số 180 triệu người dùng iPhone có ý định mua điện thoại mới trong 6 tháng tới, cho biết họ muốn mua điện thoại gập. Đáng chú ý, phần lớn trong số này vẫn muốn gắn bó với Apple. Theo nhiều chuyên trang công nghệ, nếu Apple tham gia thị trường điện thoại gập, thương hiệu này có thể sẽ tạo ra một cú hích lớn, thúc đẩy sự phát triển và đưa điện thoại gập đến gần hơn với người dùng đại chúng.
Thị trường điện thoại gập trong nửa đầu năm 2024 chuyển biến như thế nào?
Đáng chú ý, theo báo cáo của Counterpoint Research, Huawei đã vượt mặt Samsung để trở thành nhà sản xuất điện thoại gập hàng đầu trong quý 1 năm 2024. Trong đó, thương hiệu Trung Quốc này chiếm tới 35% thị phần toàn cầu, trong khi Samsung chỉ đạt 23%. Con số này trái ngược hoàn toàn với một năm trước, khi Huawei chỉ nắm giữ 14% thị phần so với 58% của Samsung.
Sự chuyển đổi mạnh mẽ sang công nghệ 5G trong các dòng điện thoại gập của HUAWEI được cho là yếu tố then chốt giúp hãng vươn lên dẫn đầu. Một năm trước, danh mục điện thoại gập của Huawei chỉ giới hạn ở các thiết bị LTE, thì đến quý 1 năm 2024, tỷ lệ điện thoại gập hỗ trợ 5G đã chiếm tới 84% tổng số lượng xuất xưởng.
HONOR và Motorola cũng đạt mức tăng trưởng đáng kể trong năm qua, đặc biệt là ở thị trường nước ngoài. Hai thương hiệu này lần lượt chiếm vị trí thứ ba và thứ tư trên thị trường toàn cầu. Trong đó, doanh số bán hàng của HONOR bên ngoài Trung Quốc đã tăng trưởng vượt bậc 12500% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ vào mẫu điện thoại gập siêu mỏng HONOR Magic V2, sản phẩm bán chạy nhất tại Tây Âu trong quý vừa qua.
Comments