Vật Vờ Đánh giá

2 tuần trải nghiệm OpenAI ChatGPT: quá thông minh, nhưng còn nhiều vấn đề!

0

Những ngày gần đây, ChatGPT nổi lên như một hiện tượng với khả năng thực hiện hầu như mọi yêu cầu của con người, từ giải đáp thắc mắc, viết một bức thư, đơn xin việc hay thậm chí là xây dụng một chương trình code với độ phức tạp cao. Câu hỏi đặt ra ở đây là: liệu ChatGPT có thông minh và nhạy bén đến vậy; và liệu công cụ này đã sẵn sàng để thay thế Google trong cách chúng ta tìm và tra cứu thông tin hay chưa?

Đọc thêm: Hướng dẫn đăng ký tài khoản ChatGPT OpenAI tại Việt Nam

Khả năng tra cứu thông tin

Khi gõ một từ khoá vào thanh tìm kiếm của Google, hệ thống sẽ trả một chuỗi kết quả gồm các trang web và chúng ta cần tự tìm và chắt lọc thông tin. Còn với ChatGPT, khi ta gõ câu hỏi vào thanh chat, hệ thống sẽ tự tổng hợp và đưa ra thông tin mà nó cho là chính xác nhất. Điều này giúp người dùng tiết kiệm được rất nhiều thời gian khi không phải mất công chọn lọc từng thông tin, dữ liệu một.

Giao diện trang chủ của ChatGPT

Với những câu hỏi đơn giản như tính toán hay tra cứu sự thật hiển nhiên, ChatGPT có thể trả lời một cách dễ dàng. Kể cả với những câu hỏi phức tạp, cần nhiều thuật toán hơn như giải phương trình, ChatGPT cũng hoàn toàn có thể xử lý nhanh chóng. Điểm đáng khen ở đây là ở mỗi câu trả lời, ChatGPT đều cố gắng giải thích chi tiết từng ý một, giúp người dùng có thể hiểu rõ hơn bản chất của câu hỏi.

Tuy nhiên, điểm yếu của ChatGPT là dữ liệu của chatbot này chỉ được cập nhật đến hết năm 2021. ChatGPT cũng chỉ hoạt động theo dạng ngoại tuyến (offline), tức là chúng không thể cập nhật dữ liệu thực giống như Google Assistant hay Siri.

Để khắc phục, chúng ta cần cài đặt thêm một tiện ích (extension) có tên WebChatGPT, có chức năng tìm kiếm và cập nhật dữ liệu mới nhất vào ChatGPT. Câu hỏi khi này sẽ dài hơn một chút, nhưng chatbot có thể trả lời cụ thể và chính xác hơn.

Số liệu ChatGPT đưa ra trước khi kích hoạt WebChatGPT

Chẳng hạn, nếu mình tra cứu thông tin dân số của thủ đô Hà Nội, ChatGPT sẽ cho ra kết quả của năm 2021 là khoảng 7,5 triệu người. Tuy nhiên, sau khi kích hoạt WebChatGPT, hệ thống tìm kiếm số liệu mới nhất và cho ra kết quả là 8,4 triệu người.

… và sau khi kích hoạt WebChatGPT

Nhưng đó chưa phải điểm mạnh nhất của chatbot này. Cùng đi đến với “sức mạnh thật sự” của ChatGPT: khả năng sáng tạo nội dung.

Khả năng sáng tạo nội dung

Chẳng hạn, mình có đưa cho bot viết một bài báo giới thiệu về hiệu năng iPhone 12 (Write an article about iPhone 12 performance), ChatGPT có thể sáng tạo ra một bài báo với tốc độ vô cùng nhanh chóng. Tất nhiên người dùng có thể đặt câu hỏi cho chatbot bằng tiếng Việt, tuy nhiên tốc độ trả lời sẽ chậm hơn, câu trả lời cũng không sát nghĩa và đầy đủ ý như tiếng Anh.

Cách hành văn của ChatGPT theo mình đánh giá cũng rất tốt. Kể cả khi trả lời bằng tiếng Việt, chatbot vẫn diễn đạt rất rõ ý, câu văn đầy đủ chủ, vị ngữ và phù hợp với văn phong người Việt. Đây là điểm lợi thế của ChatGPT so với Google Dịch hay nhiều công cụ dịch thuật khác, vốn dịch câu theo từng từ dẫn đến sai lệch về ngữ pháp hay văn phong.

Kể cả khi dịch sang tiếng Việt, ChatGPT vẫn dịch và hành văn tương đối sát nghĩa

ChatGPT cũng là công cụ hữu ích với lập trình viên khi chatbot này có thể xử lý gần như hoàn hảo các đoạn code phổ biến. Điểm khiến mình đánh giá cao ở đây là với mỗi dòng code, ChatGPT sẽ phân tích từng thuộc tính, phương thức sau đó giải thích cụ thể ở phía dưới. Điều này sẽ giúp người dùng mới, chưa có quá nhiều kiến thức về lập trình có thể học và tiếp thu một cách dễ dàng.

ChatGPT còn giải thích chi tiết các biến – phương thức và hàm một cách rõ ràng

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề

Qua những điều mà chúng mình trải nghiệm phía trên, có thể nói rằng ChatGPT là một mô hình AI vô cùng thông minh và rất có tiềm năng. Vậy nhưng, do đang trong giai đoạn phát triển, ChatGPT vẫn gặp phải rất nhiều lỗi và nhược điểm ảnh hưởng đến quá trình sử dụng của người dùng. Dưới đây là một vài lỗi trong số đó:

  • Máy chú quá tải liên tục, thường xuyên gặp lỗi và thiếu ổn định: Do lượng người dùng hiện tăng cao đột biến, ChatGPT thường xuyên gặp phải tình trạng quá tải và không thể truy cập được. Hệ thống báo lỗi sau chỉ một câu hỏi, trong khi câu trả lời cũng mất nhiều thời gian do nghẽn đường truyền.
ChatGPT gặp lỗi thường xuyên
  • Thông tin có thể bị thay đổi: Do nguồn dữ liệu được nhập vào là cố định, nên thông tin trên ChatGPT có thể dễ dàng bị thay đổi bởi người dùng. Như bức hình dưới đây, mình có thể dễ dàng thay đổi thông tin về độ phân giải camera trên iPhone 12 Pro Max chỉ với một vài câu lệnh đơn giản.
  • Thông tin có thể không chính xác: Việc có thể bị thay đổi dữ liệu nên thông tin trên ChatGPT không phải lúc nào cũng chính xác. Ở bức ảnh dưới đây mình có hỏi ChatGPT thông tin về Chillies, một nhóm nhạc nổi tiếng tại Việt Nam, tuy nhiên chatbot lại nhận dạng và trả lời rẳng đây là nhóm nhạc của Mỹ.
  • Hạn chế tính năng: Hiện tại, mình không thể tìm kiếm hình ảnh trên ChatGPT. Chatbot cũng không thể trả lời những câu hỏi có độ phức tạp quá cao, chẳng hạn như tích phân nhiều lớp.
ChatGPT hiện không hỗ trợ tìm kiếm hình ảnh

Tạm kết

Tổng kết lại, ChatGPT là một công cụ vô cùng thú vị, xứng đáng để người dùng chúng ta trải nghiệm. Việc ChatGPT ra đời có thể tạo ra bước ngoặt đối với toàn ngành công nghệ nói chung cũng như cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) nói riêng, khi mà khả năng áp dụng thực tiễn của công cụ này đối với cuộc sống chúng ta là quá đáng kể.

OpenAI ChatGPT

9

Điểm mạnh
  • Khả năng giao tiếp tự nhiên, cách hành văn tương đối chuẩn xác
  • Hỗ trợ đa ngôn ngữ, đa nền tảng
  • Nguồn dữ liệu khổng lồ
  • Khả năng trả lời linh hoạt, chính xác
  • Khả năng tự học hỏi và tự cải thiện thuật toán
Điểm yếu
  • Thiếu ổn định
  • Hạn chế nhiều tính năng
  • Thông tin không hoàn toàn chuẩn xác, không đa dạng, có thể bị thay đổi

So sánh hiệu năng của Snapdragon 8 Gen 2 trên Galaxy S23 Ultra, Xiaomi 13 và OnePlus 11

Previous article

Google Chrome trên PC bổ sung tính năng bảo mật mới

Next article