Ngày 21/7, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử – Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo chuyên đề Vi phạm bản quyền trực tuyến và các biện pháp ngăn chặn tại Việt Nam. Buổi hội thảo có sự tham gia góp mặt của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) cùng nhiều chuyên gia, giáo sư trong ngành.
Chia sẻ về thực trạng vi phạm bản quyền tại Việt Nam, ông Phạm Hoàng Hải – Giám đốc Trung tâm Bản quyền Nội dung số Việt Nam cho biết, hiện việc vi phạm bản quyền trên môi trường số diễn ra công khai trên nhiều nền tảng, nội dung bị vi phạm thuộc sở hữu của các đơn vị sản xuất nội dung số bị đăng tải trái phép, gây thiệt hại cho chủ sở hữu. Những nội dung vi phạm này được chia sẻ trên nhiều nền tảng khác nhau, như các website, ứng dụng OTT, nền tảng chia sẻ video trên một số trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, YouTube.
Cũng theo Trung tâm Bản quyền Nội dung số Việt Nam, họ đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng chặn quyền truy cập của người dùng đối với trên 500 Website vi phạm bản quyền, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm. Đáng nói hơn, tình trạng vi phạm bản quyền video trực tuyến đang ngày càng trở nên đáng báo động hơn. Số lượng người dùng trái phép những nội dung này đã tăng lên 15,5 triệu trong năm 2022. Chúng gây thất thoát 348 triệu USD, chiếm 18% doanh thu của toàn ngành video hợp pháp. Nếu tình trạng vi phạm này vẫn còn tái diễn, đến năm 2027, số người dùng vi phạm bản quyền tại Việt Nam có thể tăng lên con số 19,5 triệu, dẫn tới thất thoát 456 triệu USD doanh thu.
Do đó, rất cần sự tham gia vào cuộc của nhiều cơ quan ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và cả người dân trong việc ngăn chặn tình trạng sử dụng trái phép những nội dung chứa bản quyền. Một số giải pháp, ý tưởng cũng đã được đưa ra trong Hội nghị, bao gồm nâng cao các thuật toán chặn đứng tên miền, chuyển hướng trang web vi phạm, sử dụng công nghệ Sigma DRM để khóa ngay lập tức các nội dung vi phạm, hay là sử dụng xác thực dấu vân tay để loại bỏ các nguồn phát trực tiếp,…
Theo VTC News
Comments